“Kiểm sát” khác với “kiểm soát”

“Kiểm sát” là một từ rất phổ biến trong thời đại ngày nay, nhưng trong thực tế sử dụng nó lại bị nhầm lẫn với từ “kiểm soát”.
Cách đây hơn trăm năm, Đại Nam Quấc Âm tự vị (1895, tr513) ghi nhận Kiểm sát = kiểm điểm: Xem xét, coi đi coi lại; sau đó Việt Nam tự điển (1931, tr264) giảng tương tự, Kiểm: xét lại, soát lại; Kiểm sát: xem xét;
Trong từ điển Việt Nam của Thanh Nghị (1958, tr622) đã xuất hiện “kiểm soát” nhưng không phân biệt “kiểm soát” và “kiểm sát” và cũng cho chúng đồng nghĩa.
Ở đây chúng ta đang nói tới khái niệm “kiểm sát” đương đại, được sử dụng tại nước CHXHCN Việt Nam, cho nên cần xem xét hoàn cảnh xuất hiện của nó.
Có lẽ trước kia chưa xuất hiện nhu cầu phân biệt “kiểm sát” và “kiểm soát” nhưng sau khi Hiến pháp VNDCCH ra đời năm 1959 thì ngày 15/7/1960 Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân được ban hành. Do danh từ “kiểm sát” được trưng dụng để trở thành thuật ngữ “kiểm sát” (ngành kiểm sát, viện kiểm sát, kiểm sát viên…), nên nó cần minh bạch về ngữ nghĩa cũng như đảm bảo các tính chất cần thiết khác của một thuật ngữ. Cũng vì thế, kiểm sát với nghĩa “kiểm tra, giám sát” (việc thực thi pháp luật) phân biệt hẳn với “kiểm soát”. Viện kiểm sát nhân dân thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp theo qui định của Hiến pháp và pháp luật.
Cho nên hầu hết các từ điển ngày nay đều giảng rất chính xác về “kiểm sát”. Chẳng hạn, lấy một dẫn chứng điển hình, Từ điển tiếng Việt của Hoàng Phê (2003, tr523) đã phân biệt rõ:
« Kiểm sát: kiểm tra và giám sát việc chấp hành pháp luật của nhà nước;
Kiểm soát: Ngăn chặn những gì trái với qui định; đặt trong phạm vi quyền hành của mình ».
Hiện nay, điều 2 Luật tổ chức VKSND năm 2014 qui định: “VKSND là cơ quan thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp của nước CHXHCN Việt Nam”.
(Quyền công tố: quyền của một số cơ quan nhà nước được phép điều tra, truy tố, buộc tội cá nhân, tổ chức trước pháp luật (tòa). Tố (訴) ở đây là tố tụng, tố cáo được hiểu là khiếu nại, buộc tội; còn công (公) trong trường hợp này nghĩa là Nhà nước, chính quyền. Do đó “công tố” tức là thay mặt Nhà nước, chính quyền để tố cáo, buộc tội).
Kiểm sát và kiểm soát là hai từ khác nhau hoàn toàn! Do tư cách “kiểm sát” đã được xác định với vai trò thuật ngữ nên ngày nay chỉ nói “viện kiểm sát” chứ không có “viện kiểm soát”, chỉ nói “tuần tra kiểm soát” chứ không nói “tuần tra kiểm sát”…

About Tiểu Phi 96 Articles
Thật may mắn được kết nối với tri thức nhân loại để học hỏi mỗi ngày!

2 Comments

Leave a Reply to Tiểu Phi Cancel reply

Your email address will not be published.


*