Học vẽ

Hoa trắng nền xanh; không gian se lạnh của mùa Xuân.

Đến học vẽ chỗ tôi là một số cháu nhỏ khác nhau về độ tuổi. Có cháu vẽ khá thành thạo, có thể tự tưởng tượng ra để vẽ nhưng cũng có cháu còn nguệch ngoạc, cầm bút còn chưa vững nên vẽ không ra hình.

Tuy nhiên học vẽ không phải để trở thành họa sĩ đâu, các bậc phụ huynh, ông bà đừng nhầm điều này. Nếu học mà buộc phải thành họa sĩ thì hoặc là trên đời này vô số họa sĩ, hoặc là trên đời này chẳng còn ai đi học vẽ nữa.
Học vẽ để lấy kỹ năng… vẽ, lấy tư duy, lấy sự sáng tạo, lấy óc quan sát, lấy tính tỉ mỉ, lấy sự nhẫn nại, lấy lòng tự tin, lấy sự đam mê…
Ngoài ra, tổng hòa của tất cả các thứ đó, tích lũy lại về sau chúng ta sẽ góp vào cái để gọi là con người hiện đại, có tri thức, có lịch duyệt… khi xu thế của tiến bộ là hướng tới 4 yếu tố chính: đạo đức, sức khỏe, chuyên môn và sự am hiểu những tri thức ngoài chuyên môn.

Khi học vẽ, trẻ em thể hiện tự phát tất cả những gì bao gồm cả vô thức và ám thị bên trong, nếu ta quan sát sẽ hiểu được tương đối dễ dàng và khá sâu về tư duy, suy nghĩ, xu hướng hành vi của chúng. Sự tưởng tượng của mỗi người là khác nhau nhưng không phải hoàn toàn do bẩm sinh, mà do giáo dục chủ động hoặc thụ động (mà ta không để ý) mang lại hoặc gây ảnh hưởng vào chúng. Đối với bất kể học viên nào, không chỉ riêng trẻ, tiếp xúc đầu tiên là yêu cầu họ vẽ bất kể một thứ gì tùy ý, bằng bất kể phương tiện nào, muốn coi thế nào là xong cũng được và ta chỉ việc quan sát cách họ triển khai, kết quả họ vẽ… rồi tự rút ra kết luận, không chỉ về trình độ, năng lực cảm thụ nghệ thuật của người đó mà còn nhiều hơn thế nữa.

Có cái gọi là năng lực, xu hướng nghệ thuật của mỗi người nhưng nhất định không nên lạm dụng hai chữ “năng khiếu”. Nói thậm xưng một chút thì giả sử tôi mà có quyền hạn, tôi xóa hai chữ này từ lâu khỏi thế giới con người, hai chữ không nên có một chút nào, và rất có hại cho tâm lí của mọi người. Tất cả đều phải là rèn luyện, đều phải học – học càng chính qui, càng bài bản càng tốt.

Tôi đánh giá cao những gì thuộc về phương pháp luận.
Nên coi trọng nhất là phương pháp học, phương pháp tiếp cận và sự sáng tạo; chứ không phải trọng sự cần cù nhất. Sự cần cù rất cần, quá cần nhưng sẽ đứng vị trí số 2.

Và hơn nữa, các bạn nên nhớ rằng chúng ta, cả tôi nữa, chẳng có cái gì gọi là năng khiếu cả. Tất cả đều chỉ là HỌC, HỌC và HỌC. 
Nhưng học làm sao cho đúng, cho trúng, cho hiệu quả mà thôi.

About Tiểu Phi 98 Articles
Thật may mắn được kết nối với tri thức nhân loại để học hỏi mỗi ngày!

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*