
Ngẫm con người như cánh chim trời. Vừa mới đâu đấy, thoáng chốc đã rời xa chỉ còn một chấm nhỏ mất dần. Hoa đăng dù có sáng long lanh trong đêm thu thì có thể mang được bao nhiêu tâm nguyện chảy theo dòng nước?
Mỗi người chết đi phải đi trên Hoàng Tuyền (suối vàng) để đến sông Vong Xuyên (sông quên) còn gọi là Tam Đồ hà. Bên bờ sông có hòn đá Tam Sinh (ba kiếp) và cây cầu Nại Hà (làm sao được?). Linh hồn con người đọc trên hòn đá tam sinh (ba kiếp) ghi chép rất đầy đủ mọi cuộc sống từ kiếp trước cho đến kiếp này; bao nhiêu sự kiện tình đời bỗng một lần nữa tràn ra sinh động mà đầy hối tiếc, muốn quay đầu trở lại nhưng hầu hết lại đành lên cầu Nại Hà, gặp Vọng Hương Đài (đài ngóng về quê hương), nhìn lại chốn nhân gian nhỏ bé có bao người thân một lần cuối cùng.
Ở đó, có một nhân vật là Mạnh Bà sẽ hỏi các linh hồn, nếu đồng ý thì họ sẽ được uống một tô canh được nấu bằng nước sông Vong Xuyên để xóa sạch ký ức. Những linh hồn nào muốn được đầu thai làm người đều phải lựa chọn uống canh để được bước qua Vọng Hương Đài này. Uống xong rồi, tất cả rồi đều tan biến hư không để tới điểm cuối cùng là âm tào địa phủ.
Có một truyền thuyết nói rằng mỗi một người trong dương gian đều luôn có một cái chén ở đây. Sự cô đọng tất cả những gì họ trải qua trên trần thế vui, buồn, hạnh phúc, khổ đau, sầu não, yêu, hận… là nước mắt chảy suốt một đời được tích lũy lại trong chén thành canh. Khi qua cầu Nại Hà linh hồn sẽ uống canh nước mắt của mình và quên hết những yêu hận khi còn sống để được vào lục đạo luân hồi…
Tất cả những yêu thương, những nợ nần, những oán hận, những hối tiếc trầm luân của hồng trần tưởng như không thể rời xa thì đều trở thành trống rỗng sau khi uống canh của Mạnh Bà. Chỉ còn một thứ hư không, quá khứ sẽ rơi xuống dòng sông quên lãng (Vong Xuyên) tan thành khói bụi biệt tăm vô tích. Đó là lý do vì sao con người dù được đầu thai ở kiếp sau thì cũng không còn nhớ gì về chính mình ở kiếp trước nữa.
Thế nhưng có những người hồng trần nặng nợ, quá lưu luyến không thể buông bỏ, không dám quên đi mãi mãi, mới hẹn nhau gặp lại ở “kiếp sau”. Khi Mạnh Bà hỏi có uống canh để được vào lục đạo luân hồi không, sức mạnh của ái tình yêu hận quá lớn khiến họ liều lĩnh không uống, chấp nhận không đi qua cầu Nại Hà, đành rơi xuống dòng Vong Xuyên, dằn vặt dưới bể trầm luân, chẳng biết bao giờ mới được chuyển kiếp đầu thai.
Cái giá của nhớ nhung là một sự trừng phạt hà khắc. Phải mất nghìn năm linh hồn đau khổ dưới dòng Vong Xuyên lần hồi thấy được người mình yêu, mình mong, mình nợ chuyển kiếp trên trần thế cứ sống rồi lại chết ở các cuộc đời khác nhau nhưng không cách nào được gặp họ và họ cũng quên sạch quá khứ về mình. Điều đó chỉ càng tăng thêm sự đau khổ. Nếu trụ qua được thời gian nghìn năm mà lòng mong mỏi, thương nhớ vẫn còn thì linh hồn dưới sông Vong Xuyên mới được giải thoát, có thể đầu thai trở lại nhân gian để đi khắp thế gian tìm lại người yêu nhất của mình trong kiếp trước. Sự tìm kiếm đơn độc và vô vọng đó lại là một trừng phạt khác dành cho các sinh linh có thất tình lục dục.
Qua cầu Nại Hà, tất cả rồi sau sẽ trở thành xa lạ. Dù bạn là ai, giàu hay nghèo, sang hay hèn thì đều căn cứ trên phúc phận để xếp hàng chờ đầu thai kiếp mới. Mà dù không qua cầu Nại Hà thì cơ hội để tiếp nối mối nhân Duyên cũng thật là mỏng manh như sợi chỉ. Duyên phận của đời người là tích lũy biết bao nhiêu kiếp mới có thể hội tụ để gặp được: là cha mẹ, là vợ chồng, là con cái, là bạn bè, là đồng nghiệp, là hàng xóm, là đối thủ, là người ta yêu… Chắc chắn rằng khi tàn cuộc chơi ngắn ngủi, đường ai nấy rẽ, sẽ không còn kiếp nào gặp lại, sẽ chẳng còn đời nào nhớ về được nữa. Nhiều người không hiểu điều này để bảo toàn những quan hệ tốt đẹp của cuộc đời, thường vô tư phung phí những nhân Duyên đã góp nhặt từ bao nhiêu đời trước, bởi những sân si bé nhỏ của đời thường.
Tình đời trên thế gian lạ lùng, chạy theo những phù vân hoa mộng. Mong thời gian qua đi để chóng lớn được bay nhảy nhưng bay nhảy xong lại hốt hoảng muốn thụt lùi về quá khứ. Cha mẹ chỉ mong con lớn mà không nghĩ đến lúc đó mình già. Từng thời khắc qua đi, chắc là bát canh Mạnh Bà bên cầu Nại Hà thêm đượm dấu bụi hồng trần thế.
Dù ngày mai có ra sao, kẻ đến người đi là khách trọ, hãy bình tâm trân trọng tháng ngày đẹp đẽ, đừng bạc bẽo cả đời cứ hồ đồ nhớ nhớ quên quên.
Leave a Reply