
Câu chuyện đầu tiên là vào tháng tám năm nay tôi có đặt mua cuốn sách mới qua mạng. Tuy nhiên nhà sách gửi đến cuốn sách đã ố vàng, hoen bẩn. Nhận về mà cảm thấy rất không hài lòng với cách làm ăn của họ – thật là thiếu văn hóa.
Do đánh giá về nhà sách tệ hại như vậy nên sau khi ăn trưa, tôi có đăng lên facebook một bài viết chỉ ra sự thiếu trách nhiệm, thiếu văn hóa của nhà sách. Đương nhiên sau chục phút cũng đã kịp có vài chục người đọc.
Khoảng 40-50 phút sau đó, tức là đầu giờ chiều có một cuộc điện thoại gọi tới. Người bên kia nhận là quản lý của nhà sách. Anh ta vội vàng xin lỗi rối rít, thừa nhận sự tắc trách, yếu kém của nhân viên đóng hàng… Tôi biết có người bạn đọc được nội dung của tôi trên facebook và đã nhắn cho họ.
Về cơ bản thì tôi cũng chẳng bắt nhà sách phải đến lấy lại sách, hoàn tiền hoặc đổi sách mới. Cuốn sách đó bị hoen vì bảo quản kém trong thời tiết ẩm hoặc môi trường kho bãi không sạch nhưng nó vẫn nguyên vẹn về kết cấu, nội dung. Tôi vẫn đọc được nên trách cứ họ một lát, yêu cầu họ rút kinh nghiệm và bỏ qua cho họ một lần. Sau đó tôi đã cho ẩn nội dung đăng trên facebook trước đó gần một tiếng để không ai còn đọc được những phê phán nữa.
*
Câu chuyện thứ hai xảy ra sau đó khoảng một tháng. Một buổi tối hai vợ chồng và hai con nhỏ đến một quán bún cá mà chúng tôi cho là ngon lành, sạch sẽ ngay mặt phố. Gọi hai bát bún cá. Quán đang rất đông khách.
Khi gắp rau vào chuẩn bị ăn, tôi giật mình phát hiện một con rết nhỏ hồn nhiên bò bên trên. Tôi gọi người chủ quán. Nữ chủ quán là một phụ nữ trung niên còn trẻ, vẻ mặt chân chất, hiền lành đến. Tôi nói khẽ “có con gì đang bò” và chỉ cho cô ta. Cô ta giật mình, vội vàng cầm bát bún đưa nhanh vào nhà trong.
Tôi không giận dữ, không nặng lời. Vợ tôi nói với cô ta “chắc là trong rau đấy chị ạ”.
Cuối cùng, họ làm một bát mới cho tôi, lại lấy rau khác đi chần qua nước nóng, bê tới, vẻ mặt bối rối luôn miệng xin lỗi, thông cảm…
Khi ra về, người phụ nữ chủ quán nhìn tôi với ánh mắt ngại ngùng nhưng có lẽ là đầy lòng biết ơn. Cô ta lại xin lỗi vì sự sơ xuất.
Chúng tôi vẫn ăn bình thường. Nói công bằng, quả thật bún cá họ làm ngon và sạch sẽ. Tôi đã đến đây một số lần, qua quan sát khu vực để đồ, khu vực chế biến, quang cảnh và bài trí, bàn ghế… thì thấy rằng rất sạch sẽ, chu đáo, thoáng đãng.
Tôi biết rằng có một số bạn gặp trường hợp đó sẽ phản ứng rất mạnh, thậm chí quay clip, chụp ảnh để đăng lên và làm cho ra lẽ. Tất nhiên quyền lợi của bạn bị xâm phạm, bạn có thể làm như vậy. Ít nhất thì quyền được la lên “cho thiên hạ biết” là quyền tối thiểu không ai có quyền ngăn cản. Thời đại ngày nay, bất kể một sai lầm nào cũng phải trả giá, đặc biệt là trong kinh doanh, dịch vụ.
Có lẽ trước kia nhiều năm thì tôi cũng sẽ làm toáng lên để thể hiện sự giận dữ và bất bình. Nhưng những năm gần đây, sau bao nhiêu thời gian trôi qua, biết bao chuyện xảy tới và qua đi trong cuộc sống, tôi dần dần có những suy nghĩ và cách tiếp cận vấn đề khác với trước. Nếu chúng ta đủ bình tĩnh, đủ minh mẫn để nhìn câu chuyện dưới các góc độ khác hơn góc độ quyền lợi đơn thuần, chẳng hạn khía cạnh giữa con người với nhau, khía cạnh của sự cảm thông… thì chắc chắn chúng ta sẽ bớt giận dữ và cho họ một cơ hội.
*
Ở câu chuyện đầu tiên. Sự tức giận là ai cũng có nhưng khi đối phương lo lắng, hối hận và tỏ lòng cầu thị thì cớ gì ta đeo đẳng mãi sự bực tức trong lòng? Sự thiệt hại của chúng ta trong trường hợp này về vật chất là không lớn, nó lớn ở sự tổn thương và cảm giác bị lừa gạt nhưng sự tức giận đó đã tan đi phần lớn khi ta nhận được lời xin lỗi. Tình huống này rất nên tháo bỏ cục tức trong lòng cho nhẹ.
Tôi cũng có thể tưởng tượng được ra cảnh cô (hoặc cậu) nhân viên đóng hàng bị người quản lý mắng như thế nào. Như vậy là quá đủ để phê bình họ. Chỉ nên đưa ra bài học để con người có cơ hội thay đổi và sống có trách nhiệm hơn, chứ không nên mượn thành cái cớ để đay nghiến, dày vò những bạn trẻ.
Ở câu chuyện thứ hai lại hơi khác một chút. Sau một tích tắc hơi giật mình và thậm chí phát hoảng thì tôi cũng không tức giận, bởi lẽ tôi biết ngay rằng đó đơn giản chỉ là một sơ xuất trong quá trình hoạt động của quán. Chúng ta đủ năng lực để hiểu được vấn đề nào thuộc vể bản chất và vấn đề nào thuộc về ngẫu nhiên. Người phụ nữ chủ quán ngay khoảng khắc đầu tiên, mặt tái mét vì lo lắng sợ tôi làm ầm lên giữa bao nhiêu thực khách, hoặc quay clip tung lên mạng… cho nên chúng tôi phải tỏ ra thản nhiên, bình thường để trấn an cô ấy.
Tất nhiên, suy cho cùng thì việc rau có sâu bọ hay cái gì tương tự như thế là lỗi ở người phục vụ nhưng tôi nhận định rằng lỗi này có thể khắc phục được và phần nhiều là do ngẫu nhiên. Có thể điều tôi nghĩ không hoàn toàn đúng nhưng việc tốt nhất tôi có thể làm là cho họ thêm một cơ hội, vì bao nhiêu cố gắng nỗ lực của họ trong cả quá trình xây dựng thương hiệu không thể bị xóa bỏ chỉ bởi một sự không may ngoài ý muốn.
Tôi nghĩ rằng trong cuộc sống truân chuyên vất vả của mọi người, vốn dĩ mọi thứ đạo lý, chuẩn mực, tư tưởng, tình cảm thường đan xen, chuyển biến qua lại nhau, có những biểu hiện rất phức tạp. Chúng ta có thể phê phán, có thể đấu tranh, thậm chí có thể bêu riếu những điều xấu xa, những chuyện tiêu cực nhưng chúng ta cũng cần có sự bình tâm và lòng rộng lượng nhất định để đánh giá vấn đề ở một vài khía cạnh khác hơn, từ đó có thể nhận định sự việc được hợp lý hơn, nhân đạo hơn.
Nên phê phán nhưng không triệt hạ, nhất là đối với các bạn trẻ, với những người lao động ngoài xã hội. Những sự việc sơ xuất mà không nghiêm trọng thì rất nhiều, nếu có thể cho người một cơ hội, bạn cũng nhận được lòng biết ơn và sự cảm kích, bạn cũng đạt được mục đích làm cho họ phải cẩn trọng hơn còn bản thân mình được vui vẻ.
Cho người khác cơ hội trước cũng chính là tìm cho mình cơ hội sau, đặt mình vào trong cuộc đời vốn đã nhiều bất định. Lúc nào đó, đến lượt mình sơ xuất hẳn là bạn cũng cầu mong có người cho mình, dù chỉ là một cơ hội, được sửa sai?
Leave a Reply