Trích “Và cuộc sống còn trôi” – Tiểu Phi

Mãn Xuân (tranh thủy mặc, giấy tuyên)

Đời người phải trôi giữa cõi trần ai, phồn hoa mà tịch mịch, dạo đầu ta tưởng rằng náo nhiệt mà cuối cùng rất dễ trở mình lại đúng chốn cô đơn. Sớm răn mình cảnh giác, phù hoa cuối cùng bỏ lại sau lưng mà gạn lọc cho cốt cách vẫn còn giữ lại thì là tốt, còn để trăm năm không ra cốt cách không ra hình hài, mỗi ngày một chút tan biến giữa lòng tay hư ảo thật là đáng tiếc. Là gì vậy, là không biết khiêm nhường, không tự lượng sức, không biết tiến được cũng sẽ phải lui, không biết tự do tự tại vốn đã được mã hóa nằm ngay giữa bàn tay mình nhưng phải do chính mình giải mã. Đôi khi giữa hai bờ sinh diệt chỉ là ảo ảnh mong manh, giữa thực và hư chỉ là cách nhìn nhận, nói ra thật khó mà nên tự thân nhận thức bằng giác ngộ. Có thể ông Trương Trào đã phóng đại khi viết rằng: “Trang Chu mộng thấy mình hóa thành bướm, đó là cái may mắn của Trang Chu; bướm nếu mộng thấy mình hóa thành Trang Chu, thì đó là cái bất hạnh của bướm” nhưng bên trong không phải là không có cái ý thâm sâu của nó.

Chợt nhớ thi tiên Lý Bạch viết trong “Tương tiến tửu”: “Thiên sinh ngã tài tất hữu dụng/ Thiên kim tán tận hoàn phục lai” (nghĩa là Trời sinh tài ta tất có chỗ dùng nào đó, nghìn vàng tiêu hết rồi lại có), đời sau Trương Trào tự cảm: “Cày cấy ta không làm được, thôi thì học tưới vườn cho xong; đốn củi ta không làm được, thôi thì học làm cỏ cho xong”… Vinh quang hay thất bại, hạnh phúc hay khổ đau là còn tùy Duyên giác ngộ, và nhất định phải xuất phát từ tâm giác ngộ, mỗi thứ bậc giác ngộ sẽ hiểu vấn đề theo một lẽ riêng mình, làm những việc riêng mình và một lối sống riêng mình – chúng phải tương xứng nhau, không thể nào thuần túy áp đặt. Xưa ông Địch Nhân Kiệt xa nhà biền biệt, ngày nọ thấy đám mây trắng ở núi Thái Hàng, nhớ đến song thân nơi xa, cảm thán: “quê nhà ta ở dưới kia”. Sau này cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm trở về với ruộng nương, nguyện coi Trời Đất làm tri kỷ, vì cảm khái chuyện đám mây trắng nên nhân đó mà lấy hiệu là “Bạch Vân am cư sĩ” (白雲庵居士)… Thế mà người thế gian thường chỉ biết lấy bụng mình đo lòng người mà ngỡ là đắc ý, nên mới có câu “suy bụng ta ra bụng người”, kỳ thực thì quá bảy phần đều là không đúng.

Phải tu luyện bao nhiêu để đến kiếp nào đó mới có thể hiểu ra tâm tình của những người xung quanh và một phần những hạnh ngộ của tiền nhân?

About Tiểu Phi 95 Articles
Thật may mắn được kết nối với tri thức nhân loại để học hỏi mỗi ngày!

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*