Tôi sẽ cố gắng dành thời gian để xuất bản cuốn sách này sớm nhất có thể, hi vọng các bạn ủng hộ nhé.Chúng ta hiểu thế nào về sách, về vấn đề đọc sách, văn hóa đọc, về quan hệ giữa độc giả với sách, phương pháp đọc sách, mối quan hệ với giáo dục và cuối cùng – mục tiêu của đọc sách là gì: để kiếm tiền, để sĩ diện, để làm người hay để giác Ngộ…? Xin trích một đoạn.
Tạo thói quen đọc sách
Lời khuyên đầu tiên có lẽ là: đừng vội vàng hấp tấp, đừng tham lam. Tạo thói quen đọc sách là một quá trình có thứ tự, có phương pháp chứ không thể chỉ sử dụng tình cảm thuần túy. Tình cảm của chúng ta dù đối với sách hay bất kể thứ gì khác, nếu không được tiết chế, tổ chức đúng đắn thì sẽ trở thành tự phát và có tính hoang dại, tất yếu dẫn đến hiện tượng tùy tiện, thiếu kiên trì, dễ rơi vào bế tắc rồi bỏ cuộc giữa chừng, gọi là hiện tượng “đầu voi đuôi chuột”.
Như vậy, kể cả với việc đọc sách cũng cần phải có bản lĩnh, có sự am hiểu, không nên hấp tấp và tham lam. Nhà Phật đã nói, tham gì cũng có hại, không chỉ là tham tiền tham tài, tham ăn tham chơi, tham dục tham sắc… mà ngay cả tham kinh tham sách, tham kiến thức (nên cố nhồi nhét)…cũng không tốt vì cuối cùng cũng đều dẫn đến con đường sai lầm tà đạo, đua tranh, mụ đầu si mê, sân hận rồi trở thành phản tác dụng làm hại chính mình.
Rất nhiều bạn đọc, và ngay cả ai đó trong chúng ta đã từng có suy nghĩ sai lầm và hành động vội vàng đối với sách. Khi tiếp xúc với sách, điều đầu tiên và duy nhất họ có thể nghĩ được là: mong muốn ngay lập tức có cách gì để đọc được nhanh nhất, hiểu được nhiều nhất, nhồi nhét được nhiều nhất… có nghĩa là chỉ muốn tăng số lượng sách đọc lên cao nhất và lao vào như thiêu thân bất chấp phương thức. Đây là cách tiếp cận chưa đúng, đến với sách bằng khí thế tranh đua mù quáng rồi bỏ qua tất cả các yếu tố khác dẫn đến nhầm tưởng rằng chỉ cần lao vào đọc ầm ầm đếm mức quên mình là được. Đọc sách như vậy, trong nhiều trường hợp thực tế đã dẫn đến “ngộ sách”, “ngộ chữ” rồi biểu hiện nói năng không bình thường, hành vi lạc lõng, tư tưởng lạm dụng và thần thánh hóa sách vở, cả tin vào văn bản một cách quá đáng đến mức “tầm chương trích cú”; có nhiều người còn đi vào ngõ cụt, càng đọc càng đau đầu, rối loạn nên dễ gây mệt mỏi chán nản và bỏ cuộc. Mặt khác, như vậy là biến sách thành công cụ thuần túy để cạnh tranh, ganh đua, sân si, khoe mẽ, sĩ diện hão… chuộng hư danh mà không có thực tế. Những người như vậy thường hấp tấp, nhầm lẫn, thiếu sót về kiến thức nhưng lại có tâm lý “ngựa non háu đá” nên đôi khi phải trả giá và nhận những bài học đắt giá…Lòng ham muốn dục vọng với sách chắc chắc chẳng phải điều chúng ta cổ vũ.
Không phải sự hấp tấp vồ vập mà vấn đề rất quan trọng và có tính quyết định đến toàn bộ quá trình đọc sách theo đúng nghĩa của một độc giả chân chính, đó là cần tạo lập một thói quen đọc sách, một tình cảm chân thành và đúng mực đối với sách……
Leave a Reply