Mùa đông bất chợt một nhành mai (Trích “Mặc Hương tuyển” – Tiểu Phi)

Xuân đáo (tranh giấy điệp, màu bột)

Người ta nói mùa đông là mùa buồn hơn hết thảy. Có lẽ một phần vì cảnh sắc, một phần vì nhịp sinh học  chậm chạp, một phần vì tâm lí “xuân tới lại năm qua”.

Bụi cây bên vệ đường cũng đứng đó được mấy năm trời rồi, mặc gió lay sương phủ, từng cành lá nho nhỏ của nó ướt đẫm mưa bụi những vẫn cố mà xanh, gió khẽ thổi rung rinh. Ta nhận ra vạn vật vẫn âm thầm vận động, dù tháng năm mấy độ đổi thay.

Một ngày nào đó, trời bỗng rét đậm. Mọi người đi đường co ro vội vã, không gian như co lại và bỗng dưng trật tự đến lạ. Trên phố là một dòng người di chuyển, nối đuôi nhau lặng lẽ mà đi, không ai nhìn ai nữa.

Cố tìm trong không gian một chút hơi ấm đâu đó. Dường như có bóng dáng một cành mai. Đóa hoa nhỏ trên cành vươn ra như đốm lửa mong mùa xuân sớm sưởi một chút cho màu đông xám ngoét. Mai vốn là loài cao quí nên mới liệt vào tứ quân tử “Mai – Lan – Cúc – Trúc”. Có lẽ không phải ngẫu nhiên mà người xưa còn cho rằng “mộc công” (cha của cây) là tùng (松) còn “mộc mẫu” (mẹ của cây) là mai (梅)[1].

Và cũng do đó, Cao Bá Quát mới viết rằng “nhất sinh đê thủ bái mai hoa”[2] (cả đời chỉ cúi lạy hoa mai).

Điểm nổi bật của Mai nằm ở bốn cái đức[3] của nó, tức là: quí ít không quí nhiều[4], quí già không quí non, quí gầy không quí béo, quí ẩn (tàng) không quí lộ… chỉ thông qua “tứ đức” đó thôi đã thể hiện đầy đủ phẩm giá của mai rồi: cao quý, từng trải mà không nông nổi, cầu kỳ, khoe mẽ. Người ta vẫn hay lấy cây đào để so với cây mai vì chúng có vẻ gần gũi với nhau nhưng đào không có tứ đức như mai mà chỉ có mỗi biểu tượng cho sự “trường thọ”. Dĩ nhiên đào cũng chẳng được tính vào “quân tử”; như vậy, xem ra đào vẫn còn thua mai nhiều lắm.

Nhìn cành mai vươn ra trong giá rét mới thấy được sự kiên cường hồi sinh của nó. Mùa đông dần trôi, khi mọi vật còn đang chịu cảnh đông tàn giá lạnh, gầy héo hoang sơ thì sức sống mãnh liệt trong những thân khô tưởng như già nua đã giúp cho mai sớm vươn mình nở những bông hoa đầu tiên, tỏa hương nhè nhẹ trong gió rét, từng cành đâm chồi ra khoe sắc để xua tan cái e ngại của muôn loài, giúp cho từng nụ chồi cây tự tin nhú mầm xanh biếc.

Không ít người thừa nhận rằng, mùa xuân luôn bắt đầu theo cách thức như vậy.

Mượn lời của Lâm Ngữ Đường, khi ông mô tả “hí khúc” (mà ông coi là vĩ đại nhất của thơ ca) cũng dùng hình ảnh của cành mai để diễn đạt thay cho cảm xúc mạnh của mình, ông ví von: “Một người đọc thơ phái chính thống rồi đọc thơ trong hí khúc có cảm tưởng rằng mình nhìn xong một cành mai cắm trong bình rồi quay ra nhìn cả một vườn mai, tươi tắn, phồn thịnh hơn biết bao”.

Cho nên mai cùng với tùng và trúc trở thành ba loại cây biểu tượng cho sự mạnh mẽ, hiên ngang có thể làm bạn với mọi nghịch cảnh của giá rét, có thể gần gũi và cảm hóa mùa đông, mỗi loài một vẻ nên mới gọi là “Tuế hàn tam hữu”[5] (ba người bạn của lạnh giá). Người xưa phối hợp “tam hữu” với đá để tăng vẻ phong sương, cứng cỏi, can trường từ đó tạo ra vẻ đẹp khí khái của bậc quân tử. Cho nên Trương Trào quan sát cụ thể đặc tính của chúng cùng với đá mà đúc kết thêm rằng: “Đá đặt bên gốc mai nên cổ kính, đá đặt dưới gốc tùng (thông) nên thô, đá đặt bên gốc trúc nên gầy, đá đặt trong bồn nên tinh xảo”.

Từng ngày tháng theo bốn mùa nối nhau lặp lại. Gió xuân thổi vào mùa đông để làm ấm nó, nhưng một ngày kia nếu không còn cội mai già chờ đợi chắc là cũng bồi hồi hoài cảm. Có ai từng hỏi xem cội mai già kia dù sống đến ngàn năm đi chăng nữa, chắc gì đã có thể mãi mãi qua tất cả tháng năm đợi chờ gió tới? Nhìn mai mà cảm nhận cơn gió lành để nhận biết lúc chuyển mùa. Quả thật, như Trương Trào nói: “Gió xuân lâng lâng như rượu, gió hè sảng khoái như trà, gió thu mênh mang như khói, gió đông giá buốt như gừng, cải”. Con người tùy vào cảnh sắc và bối cảnh mà sinh lòng cảm nhận khác nhau. Nhưng dù sao cái đẹp của vạn vật bốn mùa, kể cả mùa đông lạnh giá kia vẫn có cái ý vị nhân sinh đáng nói của nó vậy. Cái đẹp của mùa đông vốn là cái đẹp của tạo hóa, cũng sắc sảo như ngọn đông phong vừa thổi.

Một cơn gió lành thổi đi giá buốt. Và hơn nữa người lữ khách kia được ấm áp trong lòng nếu mùa đông… bất chợt một nhành mai.

(Đông 2015)


[1] Mối quan hệ đó dường như được thể hiện rõ ràng hơn trong văn tự của chữ Nho khi [cây] tùng gồm chữ mộc (木) với chữ công (公) còn cây mai gồm chữ mộc (木) với chữ mẫu (母).

[2] 一生低首拜梅花.

[3] “Tứ đức”, cũng gọi là “tứ quí”.

[4] Người ta còn nói trọng chất hơn lượng, thích sự đơn giản hơn cầu kỳ.

[5] 歲寒三友.

About Tiểu Phi 96 Articles
Thật may mắn được kết nối với tri thức nhân loại để học hỏi mỗi ngày!

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*