Văn hóa đọc

* Đọc sách để làm gì

– Tiếp cận tri thức của nhân loại;
– Học hỏi những kinh nghiệm, điều hay lẽ phải;
– Tăng cường khả năng giao tiếp, khả năng nhận thức và phán đoán;
– Bồi dưỡng tâm hồn, khả năng cảm thụ nghệ thuật, giúp cân bằng cuộc sống.

Chúng ta có thể tham gia các khóa bồi dưỡng thói quen, đam mê, năng lực và kĩ năng đọc sách!

– Các khóa chuyên sâu về đọc sách (dành cho các đối tượng cần tìm hiểu sâu, đọc nhiều và đọc chuyên nghiệp, đọc phục vụ công việc):

+ Chọn sách đúng và đọc sách đúng;
+ Xây dựng và quản lí tủ sách cá nhân;
+ Viết và đọc.

– Các khóa tìm hiểu nâng cao năng lực ngôn ngữ, lập luận (dành cho các đối tượng có điều kiện để tìm hiểu sâu hơn, muốn đọc và viết tốt hơn):

+ Năng lực ngôn từ nói chung (tiếng Việt);
+ Từ ngữ Hán Việt;
+ Từ ngữ khoa học;
+ Từ ngữ văn chương;
+ Tìm hiểu chữ Hán Nôm của dân tộc để tăng cường năng lực tiếng Việt;
+ Từ điển và sử dụng từ điển hiệu quả;
+ Hạn chế một số lỗi về sử dụng tiếng Việt.

Trích trong:

Bộ “Sách – bạn đường thông thái” (2 tập)
Tại sao cần phải đọc sách và nên đọc sách như thế nào?
Làm sao tránh được những cuốn sách nhảm nhí?…
Trong bộ “Sách – Bạn đường thông thái”, ta sẽ cùng tìm hiểu về chủ đề này.

Khi tôi đặt bút viết những dòng đầu tiên của bộ sách này, tôi đã từng nghĩ nó không đến nỗi phức tạp. Nhưng thực tế lại khó khăn hơn nhiều: bao nhiêu lần viết, lần sửa, có những giai đoạn viết được nhiều nhưng cũng có những lúc không thể dành nhiều thời gian để tập trung cho nó. Tuy nhiên, tôi thực hiện đúng như những gì mình đã trình bày trong sách, nghĩa là khi viết rồi mà thấy có chỗ chưa được chín chắn, chưa được hoàn bị thì lại không hài lòng và dừng lại, chờ đọc thêm và suy ngẫm tiếp. Cuối cùng thì bộ sách cũng ra được hình hài, chỉ có điều mọi thứ kéo dài hơn tôi dự kiến: hơn bảy năm đã trôi qua và nội dung thì đủ chia làm 2 tập. Có lẽ, một số điều được trình bày và bàn luận trong sách về nhân sinh quan, lối ứng xử, quan điểm sống… được mở rộng hơn so với khuôn khổ của chủ đề “đọc sách” thông thường nhưng tôi nghĩ rằng nó thực sự cần thiết cho chúng ta trên hành trình đọc sách, học tập và sinh hoạt.
Vấn đề đọc sách có mối quan hệ trực tiếp với giáo dục, cả giáo dục trong nhà trường lẫn giáo dục trong gia đình. Tôi nhận ra rằng, tầm quan trọng của việc đọc sách chưa hề được đánh giá một cách đúng mực. Không có nhiều người quan tâm về sách, đọc sách và văn hóa đọc. Hầu hết học sinh – sinh viên, bạn đọc bình thường đều chưa có khái niệm tương đối về vấn đề này, càng chưa được định hướng để nâng cao ý chí, tình cảm với việc đọc sách và có khái niệm về mục đích cũng như phương pháp đọc hiệu quả. Một số người chưa xác định đúng mục đích đọc sách, chưa biết cách phân biệt và chọn sách và hơn nữa, lại càng hiểu sai về phương pháp đọc. Mục đích của đọc sách liệu có phải chỉ thuần túy để thuộc những gì sách viết? sách hay liệu có phải sách được nhiều người ưa chuộng? còn phương pháp đọc liệu có phải là hướng dẫn để đọc được nhanh, được nhiều?…
Vấn đề hoàn toàn không đơn giản như vậy.
***
– Tập 1 là các nội dung về “Sách và Văn hóa đọc”, tìm hiểu tổng thể về “sách” và “đọc sách” để giúp bạn đọc vững vàng bước vào con đường đọc sách, xây dựng tình yêu mến đối với sách.
Trong tập 1, ta sẽ dần dần hiểu các vấn đề quan trọng nhất của câu chuyện về “sách”. Bạn đọc cùng nhận thức về ý nghĩa của sách đối với nhân loại; tìm hiểu mối quan hệ, bao gồm cả vấn đề tình cảm giữa sách và độc giả (cuộc sống của sách, văn hóa đọc, tính thực tế của đọc sách, tính giáo dục và học tập) để từ đó hiểu rõ hơn tình cảm và căn nguyên những ứng xử của con người với sách . Độc giả cũng đánh giá thế nào là đọc sách “đúng hướng” và đọc “sai lầm” để tránh sa vào các triệu chứng như “loạn” sách, phù phiếm và ảo tưởng, lạm dụng công nghệ thông tin và coi nhẹ nền tảng văn hóa đọc.Ngoài ra, ta cũng cần hiểu biết về các yếu tố kĩ thuật của sách (loại giấy, số trang, số chữ và độ dày, vấn đề xuất hiện giữa sách giấy và sách điện tử); phân loại sách (giáo khoa, khoa học thường thức, truyện và sách văn học, chuyên khảo, công nghệ, giải trí, kinh điển, từ điển); tìm hiểu công tác xuất bản và lưu trữ; thảo luận câu chuyện thường gặp là việc sở hữu, chuyện tế nhị khi cho tặng và mượn sách; hiểu rõ hơn về sách dịch và dịch giả; đánh giá các vấn đề liên quan đến tác giả (tác giả cần phải vừa có năng lực, vừa biết giữ danh dự) để đảm bảo cho ra đời những tác phẩm có giá trị (loại trừ các tác giả viết cẩu thả hoặc “bậy bạ”). Hơn cả, chúng ta cũng bắt đầu một công việc hết sức khó khăn nhưng vô cùng quan trọng là nhận diện sách hay và sách dở Và có lẽ điều mong mỏi chính đáng nhất mà tác giả trình bày ở cuối sách đó là làm sao để “Đọc sách” cũng được trở thành một môn học thực sự và đúng nghĩa.
***
– Tập 2 là vấn đề “Đọc sách”, làm sao có thể thực hành đọc sách được hiệu quả nhất (bao gồm phương pháp chọn sách, phương pháp nâng cao hiệu quả đọc..). Tiếp cận các lợi ích bao quát nhất của đọc sách (bồi dưỡng tri thức bằng tự học; năng lực ngôn ngữ, ngoại ngữ và khả năng giao tiếp; tư duy, sáng tạo, phân tích, suy luận; cảm thụ các giá trị nghệ thuật, tiếp nhận văn hóa, lịch sử; tập trung tư tưởng và vượt qua chính mình; giảm căng thẳng, kích thích tinh thần và cải thiện trí nhớ; rèn luyện kĩ năng viết). Từ đó, thấy rằng vấn đề đọc sách không chỉ đơn giản là hành động “đọc” mà nó đích thực phải vừa có tính nghệ thuật và vừa có tính khoa học (đòi hỏi: biết đọc sách; tập trung cao; sáng tạo để cảm thụ; tiếp cận những điều ngoài sách; đọc sách để tự do và giác ngộ làm người; kết hợp các thể loại và đa dạng hóa các loại sách; đọc gắn với tư duy hệ thống và dám vận dụng; không sợ các vấn đề khó; vấn đề đọc ít và đọc nhiều, đọc liền và đọc ngắt quãng; tạo thói quen đọc sách; biết trang bị từ điển).
Phần cuối trong tập 2, tập trung vào các kỹ năng đọc. Độc giả cùng trao đổi về những vấn đề thường gặp khi thực hành đọc sách. Việc đọc sách cũng cần trải qua các bước chuẩn bị đọc (với các yêu cầu: xác định mục đích, mục tiêu; lập danh mục sách cần đọc theo thứ tự ưu tiên; tìm hiểu thông tin về sách; khảo sát mục lục, index và các chỉ dẫn tra cứu; xem lời giới thiệu, lời tựa; chuẩn bị không gian và thời gian đọc sách; đọc lướt tổng thể), sau đó mới tiến hành đọc sách (cần: hệ thống hóa các mối liên hệ trong sách; kiểm soát tốc độ đọc; chú trọng việc hiểu nội dung; đọc hiệu quả theo mục tiêu; sử dụng trí nhớ một cách linh hoạt; biết ghi chú và đọc lại ghi chú; cân nhắc việc đọc liên tục nhiều cuốn sách).Khi đọc sách, vấn đề không chỉ dừng lại ở đó mà bạn đọc cần phát triển tư duy và năng lực lên cao hơn, đó là cần đưa được sách vở ra thực tế và tiến thêm một bước nữa là có thể chia sẻ tri thức và đóng góp những điều tích cực cho xã hội.
***Đời người thấm thoắt thoi đưa, từ lúc sinh ra, ấu thơ rồi cứ thế chẳng mấy chốc mà thành già lão, giật mình như tỉnh mộng. Thời gian đã lùi lại sau lưng, những tháng ngày đó chúng ta đối mặt biết bao nhiêu công việc và vướng bận tưởng không thể dứt. Mỗi ngày 24 giờ, may lắm thì đủ cho những việc tối thiểu, từ cơ quan về đến gia đình là hết. Có người phải gác lại ước mơ đọc sách có từ thuở nhỏ, có người bùi ngùi than thở lúc nào cũng thiếu hụt kiến thức, có người buồn lòng vì tâm hồn đã khô cứng, chai sạn vì thực dụng giữa cuộc đời đua chen… Sách có thể giải quyết cho chúng ta những vướng mắc đó, làm giàu tri thức, làm đẹp tâm hồn, mở ra cánh cửa của giác ngộ…
Thời gian không chờ đợi, vấn đề là cần dũng cảm một lần tạm bỏ lại những lí do vướng bận để bước chân vào thế giới của sách, bắt đầu hiểu về nó, yêu thích và đọc sách một cách đúng đắn.
Xuất phát từ cách tiếp cận bạn đọc cởi mở, trong sách tác giả không có tham vọng trình bày thứ “bí kíp” nào cả mà chỉ có những phân tích, trao đổi dựa trên việc kế thừa những hiểu biết của các học giả tiền bối và vận dụng những kinh nghiệm thực tế. Sự kì vọng của tác giả không có gì khác mà chính là để việc đọc sách giúp con người trưởng thành hơn, am hiểu hơn, giác ngộ hơn và cuộc sống của chúng ta trở nên có ý nghĩa hơn.
***Mỗi cuốn sách ra đời không chỉ là vấn đề thời gian, công sức, cố gắng từ phía tác giả; nó còn cần sự cổ vũ, động viên, hợp tác và giúp đỡ của những con người thầm lặng…