Sách xuất bản

1. Tiểu Phi. Gõ cửa nghệ thuật THƠ (2 tập)
– Tập 1: Những vấn đề về thơ/ NXB Lao Động, 2019, giá 150.000 đồng;
– Tập 2: Thực tiễn sáng tác (sắp xuất bản).

2. Tiểu Phi. Sách – Bạn đường thông thái (2 tập)
– Tập 1: Sách và văn hóa đọc/ NXB Lao Động, 2022, giá 145.000 đồng;
– Tập 2: Đọc sách/ NXB Lao Động, 2022, giá 155.000 đồng.

3. Tiểu Phi. Để VIẾT tốt hơn/ NXB Lao Động, 2022, giá 215.000 đồng

4. Tiểu Phi. Và cuộc sống còn trôi/ NXB Lao Động, 2022, giá 180.000 đồng

5. Tiểu Phi. Từ ngữ mạn đàm

6. Tiểu Phi. Chọn sách và xây dựng thư viện cá nhân

7. Tiểu Phi. Từ điển từ ngữ tác phẩm cổ trang

8. Tiểu Phi. Giáo dục trong gia đình

9. Tiểu Phi. Từ điển thuật ngữ luyện kim (đối chiếu Việt, Anh, Nga, Trung)

GIỚI THIỆU

1. Gõ cửa nghệ thuật THƠ (2 tập)

Nhà thơ Chế Lan Viên từng trích dẫn một câu nói để thể hiện quan điểm của ông về công việc làm thơ: “Thà tôi khổ công mà làm được một câu thơ dở, còn hơn tình cờ mà bắt được một câu thơ hay”. Có nghĩa rằng, nhà thơ quan niệm quá trình sáng tác phải là quá trình lao động đến mức “khổ công” và đòi hỏi sự tập trung, đam mê cao độ. Trong sáng tác thơ thì sự kết quả lao động đó cho dù còn khiếm khuyết thì vẫn quý giá hơn nhiều so với việc “ăn may” mà đạt được kết quả tốt. Làm thơ đừng dựa dẫm, trông chờ vào may rủi mà cần phải nỗ lực cố gắng, tự thân tìm tòi, tự thân học hỏi và rèn luyện mới có kết quả và kết quả đó mới thực sự bền vững, có tính ổn định, phản ánh đúng năng lực thực sự của tác giả.

Cuốn sách nhỏ này không có tham vọng và không thể viết theo lối lý luận hàn lâm như các nhà nghiên cứu và sách chuyên khảo vẫn thường làm; cũng không thể toàn diện hết các nội dung liên quan đến thơ vì chủ đề đó quá rộng lớn và khó tiếp cận đầy đủ ở một cuốn sách dạng này. Mục đích của sách rất cụ thể, gắn trực tiếp với thực tiễn sáng tác, phê bình, cảm thụ thơ của cộng đồng nói chung và những người yêu thơ nói riêng, chỉ lựa chọn những gì được xem là thiết thực nhất, gần gũi nhất với tác giả và bạn đọc để cung cấp thông tin, phân tích, làm rõ thêm một số vấn đề liên quan đến thơ, đến quá trình sáng tác, phê bình và cảm thụ thơ. Do đó, có thể cuốn sách có những chỗ chỉ trình bày vắn tắt hoặc không đầy đủ và không theo hệ thống “chuẩn” như các sách lý luận. Nội dung cuốn sách gồm một số kiến thức căn bản về thơ được chúng tôi chọn lọc, bố cục, trình bày và phân tích theo hướng dễ hiểu, dễ nắm bắt và có quan hệ với thực tiễn; có bổ sung những minh họa từ tác phẩm của các nhà thơ, nhạc sĩ nổi tiếng; có sử dụng các nguồn tư liệu khác nhau về thơ, lý luận thơ, phê bình thơ để đảm bảo tính thuyết phục cho các luận điểm, các nhận định, đánh giá và phân tích được nêu ra… Chúng tôi chỉ xem đây là một cuốn sách tham khảo, góp một phần nhỏ bé vào sự phát triển của phong trào thơ ca hiện nay, đặc biệt là hỗ trợ trực tiếp cho các tác giả, bạn đọc còn chưa có nhiều kinh nghiệm trong sáng tác cũng như hiểu biết về thơ. Mục đích cuối cùng là có thể nâng cao chất lượng tác phẩm cũng như năng lực cảm thụ thơ, để làm đẹp thêm cho tâm hồn mỗi con người, cùng nhau hướng đến các giá trị chân-thiện-mỹ.

2. Sách – Bạn đường thông thái (2 tập)

Vấn đề đọc sách có mối quan hệ trực tiếp với giáo dục, cả giáo dục trong nhà trường lẫn giáo dục trong gia đình. Tôi nhận ra rằng, tầm quan trọng của việc đọc sách chưa hề được đánh giá một cách đúng mực. Không có nhiều người quan tâm về sách, đọc sáchvăn hóa đọc. Hầu hết học sinh – sinh viên, bạn đọc bình thường đều chưa có khái niệm tương đối về vấn đề này, càng chưa được định hướng để nâng cao ý chí, tình cảm với việc đọc sách và có khái niệm về mục đích cũng như phương pháp đọc hiệu quả. Một số người chưa xác định đúng mục đích đọc sách, chưa biết cách phân biệt và chọn sách và hơn nữa, lại càng hiểu sai về phương pháp đọc. Mục đích của đọc sách liệu có phải chỉ thuần túy để thuộc những gì sách viết? sách hay liệu có phải sách được nhiều người ưa chuộng? còn phương pháp đọc liệu có phải là hướng dẫn để đọc được nhanh, được nhiều?

Không thể đưa ra giải đáp và biện luận để giải quyết triệt để mọi vấn đề. Trong bộ sách này, tôi chỉ trình bày những vấn đề mà tôi cho là cần thiết, kết hợp giữa kinh nghiệm của cá nhân với những hiểu biết, kinh nghiệm của những học giả, tiền bối đi trước. Tôi không cho rằng vấn đề đọc sách có thể “lượng hóa” thành các công thức và con số, vì làm vậy sẽ khiên cưỡng và cứng nhắc. Đọc sách là một hiện tượng xã hội, khi bàn về nó cần quan sát, nhìn nhận, phân tích, đánh giá đặt trong bối cảnh, các tác động xã hội và dĩ nhiên, có tính linh hoạt rất cao. Cho nên không thể áp đặt ý chủ quan khi viết về sách, đọc sách, văn hóa đọc… Những cuốn sách viết theo lối “cầm tay chỉ việc” với nhiều gạch đầu dòng tóm tắt, hướng dẫn thực hành… có lẽ chỉ phù hợp với những công việc không cần nhiều tư duy và chú trọng thao tác chứ không đòi hỏi hiểu rõ bản chất vấn đề. Trong khi đó, chủ đề mà chúng ta đang bàn tới là sách, đọc sách văn hóa đọc thì lại rất cần phải tư duy, lí luận và chiêm nghiệm.

Cho nên tôi trình bày mọi vấn đề theo lối bàn luận, phân tích, diễn giải để cùng với bạn đọc tìm hiểu vấn đề và cố gắng mở rộng ra các nội dung liên quan. Trong sách, chúng ta cố gắng tránh đưa ra những thao tác quá cụ thể, các con số bắt buộc, những áp đặt cứng nhắc… mà chỉ gợi ý để bạn đọc cùng xem xét và lựa chọn.

Khi tôi đặt bút viết những dòng đầu tiên của bộ sách này, tôi đã từng nghĩ nó không đến nỗi phức tạp. Nhưng thực tế lại khó khăn hơn nhiều: bao nhiêu lần viết, lần sửa, có những giai đoạn viết được nhiều nhưng cũng có những lúc không thể dành nhiều thời gian để tập trung cho nó. Tuy nhiên, tôi thực hiện đúng như những gì mình đã trình bày trong sách, nghĩa là khi viết rồi mà thấy cho chỗ chưa được chín chắn, chưa được hoàn bị thì lại không hài lòng và dừng lại, chờ đọc thêm và suy ngẫm tiếp. Cuối cùng thì bộ sách cũng ra được hình hài, chỉ có điều mọi thứ kéo dài hơn tôi dự kiến: hơn bảy năm đã trôi qua và nội dung thì đủ chia làm 2 tập. Có lẽ, một số điều được trình bày và bàn luận trong sách về nhân sinh quan, lối ứng xử, quan điểm sống… được mở rộng hơn so với khuôn khổ của chủ đề “đọc sách” thông thường nhưng tôi nghĩ rằng nó thực sự cần thiết cho chúng ta trên hành trình đọc sách, học tập và sinh hoạt.

Tập 1 viết về những vấn đề SÁCH VÀ VĂN HÓA ĐỌC còn tập 2 viết về những vấn đề ĐỌC SÁCH. Hai vấn đề, hai tập sách vừa độc lập tương đối mà vừa có sự liên quan khá chặt chẽ với nhau, phần nọ sẽ bổ sung, làm rõ hơn cho phần kia. Bạn đọc có thể đọc từng tập riêng lẻ hoặc đọc cả bộ đều được cả.

Đời người thấm thoắt thoi đưa, từ lúc sinh ra, ấu thơ rồi cứ thế chẳng mấy chốc mà thành già lão, giật mình như tỉnh mộng. Thời gian đã lùi lại sau lưng, những tháng ngày đó chúng ta đối mặt biết bao nhiêu công việc và vướng bận tưởng không thể dứt. Mỗi ngày 24 giờ, may lắm thì đủ cho những việc tối thiểu, từ cơ quan về đến gia đình là hết. Có người phải gác lại ước mơ đọc sách có từ thuở nhỏ, có người bùi ngùi than thở lúc nào cũng thiếu hụt kiến thức, có người buồn lòng vì tâm hồn đã khô cứng, chai sạn vì thực dụng giữa cuộc đời đua chen… Sách có thể giải quyết cho chúng ta những vướng mắc đó, làm giàu tri thức, làm đẹp tâm hồn, mở ra cánh cửa của giác ngộ… Thời gian không chờ đợi, vấn đề là cần dũng cảm một lần tạm bỏ lại những lí do vướng bận để bước chân vào thế giới của sách, bắt đầu hiểu về nó, yêu thích và đọc sách một cách đúng đắn.

Với 2 tập của bộ sách “SÁCH – bạn đường thông thái”, tôi mong muốn cùng bạn đọc trao đổi và cùng tìm hiểu thêm về sách; có được mục đích đọc sách đúng đắn; lựa chọn các mục tiêu cụ thể để thực hiện; bồi đắp tình yêu đối với sách; hình thành thói quen đọc sách và xây dựng văn hóa đọc để nâng cao tri thức, nhận thức, năng lực cảm thụ nghệ thuật… Cuối cùng là hướng đến học để làm người và sống một cuộc đời nhiều ý nghĩa hơn.

3. Để VIẾT tốt hơn

Có bao giờ bạn tự hỏi rằng, tại sao một người mất cả ngày không thể viết được chữ nào trong khi đó người khác lại có thể viết cả một bài luận chỉ trong nửa buổi sáng?

Trong cuộc đời chúng ta, khi đã bắt đầu được học chữ, biết chữ thì kĩ năng hành văn sẽ theo chúng ta suốt cuộc đời. Từ những bài chính tả đầu đời, những bài tập làm văn thời thơ ấu, những bức thư tình, những đoản văn, bài thơ trong lúc tức cảnh, bài luận và đồ án tốt nghiệp, những bản báo cáo công việc, những bản thuyết trình, những thư tín trao đổi mua bán… cho đến khi già lão có thể còn viết hồi kí, viết di chúc hoặc những lời dặn dò, tâm tình để lại cho con cháu,… Thậm chí, ở mức độ cao hơn, chúng ta có thể viết những bài luận, những cuốn sách khoa học hay văn học nghệ thuật. Không ai có thể tính toán được trong cuộc đời mỗi con người phải viết bao nhiêu chữ, bao nhiêu bài văn. Nhưng rõ ràng, chúng ta luôn phải viết tương đối nhiều.

Cuốn sách này không phải hướng tới việc trình bày đầy đủ và có hệ thống các kiến thức ngôn ngữ học mà mục đích của nó là trao đổi và bàn luận trên cơ sở một số kinh nghiệm tiêu biểu của các tác giả cũng như những hiểu biết cần thiết nhất của ngôn ngữ học có tác động trực tiếp đến công việc viết. Từ đó, đưa ra một số lời tư vấn, định hướng có tính thực tiễn để bạn đọc cân nhắc, vận dụng trong quá trình viết các loại văn bản phục vụ công việc, đời sống và cả sáng tác nghệ thuật.

Do đó, đây không phải cuốn sách thuộc dạng chỉ dẫn hay áp đặt một phương pháp nào cả vì điều đó là không nên, hơn nữa nó còn rất cứng nhắc và sai lầm. Trong việc viết lách, không ai dám dùng từ “hướng dẫn”; mà cho dù có sự “hướng dẫn” như vậy thì cũng chỉ là việc sao chép máy móc chứ không thể giúp bạn đọc tự mình hiểu rõ bản chất thực sự của quá trình viết, và quan trọng nữa là họ không thể tự mình phát triển năng lực, kĩ năng viết ngày càng hoàn thiện hơn.

Sách được viết theo hướng khảo luận, bình luận và gợi ý. Tác giả cố gắng tránh những thuật ngữ, khái niệm khó hiểu, kiến thức quá rộng… để giản lược, thu gọn và tập trung vào vấn đề cụ thể mà bạn đọc đang quan tâm là “viết văn bản”. Định hướng của sách là tính dễ hiểu, tính phổ cập cao, phù hợp với nhiều đối tượng bạn đọc.

Cuốn sách được viết trên tinh thần cầu thị nhưng chắc chắn khó tránh khỏi những chỗ thiếu sót. Tác giả xin chân thành tiếp thu các ý kiến đóng góp của cộng đồng và bạn đọc để tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, chỉnh lí sau này cho được hoàn thiện hơn.

4. Và cuộc sống còn trôi

Những tản văn này được viết rải rác trong nhiều năm qua, vốn là những ghi chép một vài góc nhìn về nhân sinh, lối sống, cuộc đời…

Tháng năm trôi mãi, có lẽ chúng ta bị cuốn đi theo một cách vô thức. Rồi sẽ nhận ra chỉ “một lát” thôi mà có khi hết cả đời người.

Những đua chen, tất bật hóa ra cũng là phù phiếm ảo mộng; ngoảnh mặt lại chỉ còn là thời gian, một đi không trở lại. Có chăng đâu đó là những thiếu sót hoài nghi, là những tiếc nuối hối hận… Cuộc sống không trường tồn, sự sống con người có lẽ chỉ là giai đoạn ngắn ngủi của “chính mình” trong vũ trụ “vô thủy vô chung”.

Vậy thôi, hãy như một người tỉnh mộng, lấy sự bình an, lòng hướng thiện, tính vị tha làm lẽ sống ở đời. Dù mai này có thoảng một cơn gió bụi, phù sinh nhẹ bẫng như mây, thì cuộc đời chúng ta vẫn đã là tràn đầy ý nghĩa…

5. Từ ngữ mạn đàm

6. Chọn sách và xây dựng thư viện cá nhân

7. Từ điển từ ngữ tác phẩm cổ trang

8. Giáo dục trong gia đình

9. Từ điển thuật ngữ luyện kim (đối chiếu Việt, Anh, Nga, Trung) – sắp xuất bản