
(Tiểu Phi)
Hầu hết, con người bình thường đều nghĩ ngay đến “tiền”. Đa số chúng ta vật lộn trong sự xoay vần của mưu sinh, cho nên chung quy lại vẫn là cần tiền, hay nói rộng ra là vật chất. Trước hết phải có vật chất mới tồn tại được.
Cái chết “bất đắc kỳ tử” vẫn thường được coi là hiện tượng cá biệt, không phải là cái phổ quát diễn ra bình thường (sinh, lão, bệnh, tử). Dẫu biết rằng hầu hết người ta đều sợ chết, nhưng cái chết của đa số mọi người vẫn được coi là một “quy luật”, cho nên trong cuộc sống thường ngày, khi còn thở và đi lại được thì người ta không dành thời gian để lo lắng về cái chết vì nó còn ở phía trước đâu đó chứ thường không hiển hiện trước mặt; người ta lo lắng đến cái hiển hiện ngay trước mặt và thiết thực hơn, đó là sự nghèo đói, túng thiếu.
Nhưng nói gì thì nói, bản chất tâm lý bên trong của con người vẫn không bao giờ thoát khỏi sự ám ảnh về đời sống ngắn ngủi của mình. Kể từ khi sinh ra, mọi hoạt động và nỗ lực của mỗi người cũng chẳng qua chỉ là sự chuẩn bị tốt nhất cho việc kết thúc ở phía cuối của sự khai sinh đó – tức là cái chết. Chặng đường đời càng dài, có nghĩa khoảng cách tới cái chết càng thu hẹp lại, không thể đảo ngược.
Dù không nói bằng lời hoặc không liên tục nhắc tới cái chết nhưng cả loài người vẫn bị “kẹt” giữa trạng thái mông lung và bị ám ảnh về sự kết thúc tính mạng không thể thay đổi được của họ, cho nên mới suy nghĩ, tìm hiểu và đặt ra nhiều giả định, nhiều cách lý giải cũng như biết bao nhiêu thuyết này kia để mong tìm ra một cái gì đó tạm gọi là chân lý, đặc biệt là chân lý có lợi cho chính mình mà cụ thể là hướng tới sự bất diệt bằng cách nghĩ tới một thế giới dài mãi ở phía sau cái chết để có cái mà tin tưởng và cố gắng hướng tới. Nếu không, con người chỉ còn cách tuyệt đối tin rằng mình sẽ biến mất mãi mãi, và như vậy, hẳn là nhân gian này là thứ gì đó vô nghĩa, giống như một cái “ngõ cụt” và chắc chắn nó sẽ hiện ra theo cách hoặc là rất bi thương, hoặc là rất tàn bạo,…
Đó chính là lý do vì sao con người phải có đời sống tinh thần và không thể tách khỏi đời sống tinh thần, trong đó thường bao gồm cả yếu tố nhận thức về triết học, theo đuổi tín ngưỡng và tôn giáo nào đó. Đời sống tinh thần càng phong phú, nhận thức càng cao và rộng mở thì càng bớt lo sợ về cái chết và càng có nhân sinh quan vững vàng hơn, tốt đẹp hơn.
Rõ ràng, chúng ta phải sống. Sống để làm gì và đi tới đâu, đặc biệt là chết có bị tiêu tan hoặc bị xóa bỏ hoàn toàn không?- đều đưa về những câu trả lời phức tạp, đa nguyên. Tôi không dám chỉ dùng mấy dòng để nói tới được. Nói không đầy đủ về một vấn đề to tát như vậy có khi còn gây hiểu lầm và tranh luận tai hại.
—
Trong cuốn sách “Và cuộc sống còn trôi” đã có một số bài điểm qua về vấn đề này, chẳng hạn bài “Một đời cũng là hơi thở” (trang 31).
Người ta lo đủ ăn mặc thì sẽ nghĩ tới hưởng thụ. Hưởng thụ chính là bước đầu tiên thể hiện tâm lý chăm lo cho sự sống. Càng về sau, người ta càng chăm lo cho bản thân chu đáo hơn, mang đủ thứ quý giá về để dùng với hi vọng tăng cường sức khỏe, kéo dài tuổi thọ, sống càng lâu càng tốt.
Nhưng kỳ thực, nhìn tổng thể thì chết là cái không tránh khỏi, cho nên nếu không chết ở tuổi 90 thì có thể sẽ ở tuổi 91 hoặc tuổi 100 gì đó. Nó sẽ có giới hạn. Vậy thì việc kéo dài giới hạn ở những mức độ cao như 90 hay 100 liệu có thực sự mang nhiều ý nghĩa như chúng ta nghĩ hay không?
Một con người sinh ra, nếu mất sớm quá, chẳng hạn ở 30 tuổi, rõ ràng mới chỉ kịp hiện diện rồi ra đi, chưa đóng góp và có ý nghĩa gì cả. Nhưng tôi nghĩ rằng đã sống tới cỡ 80 tuổi (dẫu là một con số cảm tính) thì ở khía cạnh cả tâm lý và sinh lý thì khoảng thời gian đó là tương đối đủ để gói ghém một cuộc đời; cái hay cái dở, cái tốt cái xấu,… đến lúc đó đều đã đủ và nó gần như được “chốt sổ” như vậy. Sau đó, dù có sống thêm bao nhiêu năm, với đa số người cũng đã quá già yếu và suy kiệt, chẳng còn thể hoạt động hoặc thay đổi được điều gì có tính bản chất được nữa.
Cho nên, cái con người cần không phải là cố sống lâu mà là sống đủ. Đủ thời gian để làm những việc cần thiết, để được sống tốt, sống có ích cho đời chứ không phải lãng phí vào chuyện ăn cướp và hưởng lạc. Nếu như quan niệm khoảng thời gian sống mạnh khỏe là thời gian “vàng” của cuộc đời thì mỗi người phải tranh thủ khoảng thời gian đó để làm những điều có ích, có lợi cho xã hội. Khoảng thời gian vàng trong cuộc đời trôi qua rất nhanh, vì nó là “vàng” cho nên dễ đánh lừa chủ nhân, dụ dỗ các vị chủ nhân tiêu pha hoang phí vào những chuyện sai lầm, phù phiếm.
Rồi về già, cố níu kéo sống thêm 5-10 năm lê thê vô nghĩa so với các bạn đồng niên, đồng khóa có để làm gì đâu? Không thể tránh khỏi cái cảnh thế hệ sau gạt bỏ mình khỏi đời sống sôi động; chỉ còn mình nằm thở, phải uống đủ loại thuốc để tồn tại âm thầm, chờ hết ngày hết tháng là vậy! Khi ai đó già cả đến mức buông xuôi và bất lực, liệu có từng nghĩ, giá như những ngày tháng xưa kia đã tận dụng làm được nhiều điều có ích cho đời, thì được an ủi và thỏa mãn biết bao?
Leave a Reply