Dẫu là cơn gió thoảng qua (Tiểu Phi)

Cũng mấy hôm rồi, học giả, nhà giáo, dịch giả Nguyễn Phúc Vĩnh Ba đã ra đi, hôm nay mới viết vài điều.

Kể ra điều ngoài lề này, người nào hiểu biết thì nhận ra, họ Nguyễn Phúc là họ của Hoàng gia triều Nguyễn. Ông là con cháu chính thống của một triều đại đã đi qua trong lịch sử.

Có chút cơ duyên với nhau nhưng chưa trọn vẹn. Ông là người đã tặng tôi loạt sách rất hay và tâm huyết của ông – trong đó có cuốn về Hán văn vẫn là bản in nội bộ nhưng rất thú vị (Hán Việt tứ tự quán ngữ giản yếu); có những cuốn rất kén độc giả, người đọc phải có một tích lũy nhất định về trình độ văn chương – lịch sử mới thấy được phong vị bi hùng mà man mác hoài cổ (Tâm thành lễ bạc); những cuốn sách dịch từ Anh ngữ ra tiếng Việt rất mượt mà sắc sảo, ở một trình độ khác hẳn những “dịch giả” tầm phào hiện nay,…; và ngược lại, tôi cũng tặng sách của mình để ông đọc và mong được góp ý. Tôi đã học được từ ông nhiều điều.

Là như vậy, tôi vẫn mong có ngày đến gặp ông ở Huế để nói về sách vở nhưng không hiểu sao, cuộc sống thế nào đó cứ gây chuyện lằng nhằng mãi không cho mình được yên, rồi làm thời gian trôi tuột đi. Đột nhiên biết được tin ông ra đi, bỗng hụt hẫng mất một lúc.

Những người ấy, tuổi già, sức khỏe không đợi ai. Tôi thật sự rất buồn lòng. Họ như vậy, sống lặng lẽ, giản dị, âm thầm, để lại cái gì đó đủ làm người ta trân trọng, rồi lần lượt ra đi mãi mãi.

Có một số người tôi thực sự mong được gặp mặt, nhiều người ở lứa tuổi 70-80; tôi không chỉ giao du với người Kinh mà cả người dân tộc thiểu số khác. Ở những khía cạnh, góc nhìn hoặc lĩnh vực nào đó, họ là những kho tàng tri thức quý giá đáng được trân trọng và “bảo tồn”, hơn nữa, con người đã sống qua quá nhiều thăng trầm cay đắng; không phải ai cũng là GS hay TS, thậm chí có người hoàn toàn nhờ vào tự học nhưng tất cả đều có những khía cạnh nào đó ở cấp độ bậc thầy, tôi thường chỉ biết nghe và học hỏi lại.

Không chỉ tuổi cao mà mỗi người một cảnh, không phải ai cũng có được điều kiện tốt; thường là tôi quen ai thì đều phải vượt đường để đến chỗ họ. Ngày nay, nhờ có internet, có thể qua đó mà giao tiếp với nhau nhưng cái sự gặp gỡ ở một nơi nào đó kể cả tận nơi địa đầu biên giới, nơi núi cao hẻo lánh, nơi làng chài ven biển, chốn làng quê xào xạc,… đều để lại những cảm xúc tích cực không thể dễ dàng quên được.

Trong những bức ảnh ở đâu đó, tôi thường rất ít chụp chính mình. Tôi không có nhu cầu check in để khoe rằng mình đã tới. Hình ảnh cá nhân chúng ta thường hiện ra với tần suất cao, với một vài biểu cảm đời thường hỉ nộ ái ố lặp đi lặp lại ngày ngày tháng tháng, đến mức nhàm chán. Nó khiến chúng ta chìm đắm trong việc tập trung để tôn sùng bản thân và bỏ qua những thứ xung quanh. Chúng ta nghĩ rằng mình quan trọng và thậm chí còn có vẻ vĩ đại nhưng chính bản thân chúng ta thực sự quá bé nhỏ, dễ dàng bị thời gian đưa vào sự quên lãng. Chỉ có tri thức, sự hiểu biết, thông tin, sự mở mang trong tư tưởng và diễn đạt nó để tặng lại cho người khác cùng được hưởng, đó mới là cái đáng giá và để người ta nhớ tới.

Tôi đã dành nhiều thời gian, công sức và cả tài chính để đi tới nhiều nơi, thậm chí nơi xa xôi hẻo lánh không có sóng điện thoại; gặp được nhiều người và càng ngày càng thấy thực sự bổ ích, xứng đáng. Sự sống hữu hạn, thời gian để dành ra chỉ đủ ba đợt ăn chơi, chửi rủa, sân hận nhau là cũng vừa hết đời. Đi để học và biết chứ không phải đi đến tận biên giới hay vùng xa để “tìm bằng được” resort hoặc vào hotel để tạo dáng, check in, ăn ba bữa tiệc rồi về, vừa tốn kém mà có khác gì đang ở quận trung tâm thành phố?

Những ngày tháng này, nhiều biến cố phiền lòng xảy ra, tôi phải bận rộn để chống đỡ chúng. Thời gian trôi đi, điều kiện và sức người có hạn, không thể đi tới được mọi nơi, không để đến gặp được nhiều người. Có thể nhiều cơ hội cũng mất, nhiều hạnh ngộ bị bỏ qua, nhiều điều không kịp nói. Mỗi khi nghĩ tới những việc đó, lòng lại buồn rầu khó tả.

Mong sớm mai, như một cơn gió bụi bay qua, bỏ những muộn phiền để tiếp tục đến những nơi xa xôi, kịp được gặp và hỏi chuyện những con người cao thượng mà bình dị. Đó nên là niềm an ủi nhất và sự lạc quan của cuộc sống trước bao nhiêu thị phi của việc đời ô trọc mưu mô. Xét cho cùng, tháng năm không thể ngoảnh lại, cuộc đời dù là vui vẻ hay sầu muộn thì cũng sẽ trôi qua, rồi ai cũng phải chuẩn bị trở về cát bụi. Đó mới là lẽ thường tình.

About Tiểu Phi 101 Articles
Thật may mắn được kết nối với tri thức nhân loại để học hỏi mỗi ngày!

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*