“Mót lúa” cũng cần văn hóa…

Quê mẹ (Thanh Tịnh)

Theo dòng lịch sử, xã hội biến đổi, sinh hoạt khác xưa nên ngôn ngữ cũng phải có sự thay đổi cho phù hợp với thực tiễn. Điển hình là một số từ mới sẽ sinh ra thêm còn một số từ cũ sẽ mất dần. “Mót lúa” là một hành động, cũng là một tập quán tồn tại rất lâu đời trong xã hội nông nghiệp lúa nước tại Việt Nam. Tuy nhiên, ngày nay có lẽ chỉ những người có tuổi hoặc từng ở nông thôn mới biết đến từ này.

Mót là lấy cái gì còn thừa, lấy cái gì một cách không chính thức. Các tác giả Nguyễn Ngọc San và Định Văn Thiện xếp nó vào loại “từ Việt cổ” [1]. Dấu vết của từ mót này nằm trong “học mót”, “ăn mót”, “ăn mày ăn mót” và “mót lúa”. Trong phương ngữ Nam Bộ thì Nguyễn Văn Ái ghi nhận “mót tái” và giảng là mót nhặt, nhặt nhạnh, mót tái dành dụm [2]. Đến Huỳnh Công Tín thì giảng cũng tương tự Nguyễn Văn Ái nhưng rõ ràng hơn, ghi nhận hai từ mót máy (góp nhặt, mót nhóp từng chút một) và mót tái (mót nhặt, lượm lặt, nhặt nhạnh…) [3].

Đối với người sống ở nông thôn, không cần từ điển thì ai cũng hiểu mót lúa là gì. Khi người ta gặt xong, cánh đồng còn sót lại những cây lúa, nhánh lúa, hạt lúa và đàn bà, trẻ em, người nghèo ra nhặt về để tận dụng thì gọi đó là mót lúa.

Tuy rằng mót lúa chỉ là “nhặt nhạnh” nên thu hoạch được chút ít thôi, nhưng vẫn tồn tại cái gọi là “văn hóa mót lúa”. Thực sự có thứ “văn hóa” này không? Tác giả Thanh Tịnh đã viết về điều này ở làng Mỹ Lý quê ông, giai đoạn những năm 30 của thế kỷ trước thông qua tập “Quê mẹ” (1941). Khi đó, trong tư tưởng người dân có một ý nghĩ rằng mót lúa có bản chất chính mót từ bi, mót điều nhân nghĩa mà không phải mót những hạt lúa cụ thể. Ông viết:

“Ở vùng quê đã có mùa gặt, thì cùng lúc ấy có mùa mót. Vựa con nhà giàu đầy lúa thì nồi cơm nhà nghèo nhờ đó cũng được đầy cơm ít nhiều.

Ai mạnh chân khỏe tay thi đi làm giúp. Ai yếu ớt thì đi mót lúa. Phần sau này thường dành riêng cho đàn bà, con trẻ hay ông già, bà lão nghèo đói.

Lúc đang gặt, bọn đi mót phải đứng chờ trên đường giường. Họ gặt xong và bó lại xong xuôi, mới cho con kẻ nghèo xuống mót.

Kể ra lớp người đi gặt thuê cũng biết thương con kẻ khó. Và cách gặt của ho cũng biết điều chứ không phải vơ vét hết sạch đâu. Họ còn phải để lại ít nhiều cho người nghèo nữa.

Rồi đồng ruộng nào có người mót đông, người ta cho điền chủ ấy là nhân từ và đến mùa gặt sau sẽ gặp nhiều điều may mắn.

Họ còn tin nơi nào con nhà nghèo đến mót đông là nơi ấy vua Thần Nông sẽ dắt trâu thần ngự đến. Và mùa sau chắc chắn ở đó được mùa.

Cũng nhờ đức tin ấy mà các điền chủ đua nhau mở lòng, mở ruộng đón người nghèo khắp nơi.

Một câu ca dao ở miền Trung đã tả được tấm lòng của người đi mót:

Tôi đứng trên đường giường,

Tôi trương mắt ếch.

Tôi đây sợ sệt,

Sợ họ gặt hết lúa đồng đi!

Tôi đến đây mót lượng từ bi!

Mót điều nhân nghĩa, chứ mót chi lúa ngài.”

Mót lúa cũng cần văn hóa.

—-
(Tiểu Phi)

Trích dẫn:

  1. Nguyễn Ngọc San, Đinh Văn Thiện. Từ điển từ Việt cổ. NXB VHTT 2001, 371tr, tr209.
  2. Nguyễn Văn Ái, Lê Văn Đức, Nguyễn Công Khai. Sổ tay phương ngữ Nam Bộ. NXB Cửu Long, 1987, 432tr, tr258.
  3. Huỳnh Công Tín. Từ điển từ ngữ Nam Bộ. NXB KHXH, 2007, 1392tr, tr834.
  4. Thanh Tịnh. Quê mẹ. NXB Văn Học 1983, 182tr, tr28-29.
About Tiểu Phi 96 Articles
Thật may mắn được kết nối với tri thức nhân loại để học hỏi mỗi ngày!

7 Comments

    • Tôi chưa khảo kỹ về từ này, đến giờ vẫn đang hiểu đường giường có nghĩa là đường chính, trong đó giường tức là âm chệch của giềng có nghĩa là “đầu mối”, “chính”.

  1. Ở miền tây , thuở nhỏ Trung cũng có đi mót lúa , mót khoai . ” Đường giường ” không biết nói về gì.

  2. Đọc Quê Mẹ của Thanh Tịnh thật tuyệt vời.
    Mót lúa thì khi còn nhỏ ở quê em cũng từng đi, nhưng là mót lúa nếp, về rang lên và đem đến lớp buổi ra chơi “chia chác, trao đổi” với bạn bè. Đứa mang lúa nếp rang, đứa ngô rang, đứa khoai deo v.v.
    Ngày nhỏ thường mót lạc (đậu phộng) nhiều hơn, đem về bán kiếm tiền mua sách vở. Nhưng mót lạc chỉ mót được sau mưa, hạt lạc nổi lên trên mặt đất. Và khác với mót lúa, ruộng nhà nào kiết hay thảo thì đều có lạc để mót, vì lúc nhổ củ lạc bị đứt nằm lại trong đất không cách nào cứu vãn dc hết :))

Leave a Reply to Thinh Cancel reply

Your email address will not be published.


*