I…
Cuối năm. Đến ngày được nghỉ thì cái Tết cũng đến sát cửa nhà.
Nhưng tôi không nói về Tết. Thành thực mà nói thì hầu như những cái Tết trong đời người sẽ chỉ đến và đi như một cơn gió thoáng qua không để lại nhiều ấn tượng. Mỗi cái Tết có thể là một lần người ta chờ mong khi còn thuở nhỏ, phải lo toan khi trưởng thành, và thoáng nỗi buồn lo khi tuổi già sập tới.
Tết là Xuân. Biết bao nhiêu cánh hoa không hẹn mà cùng khoe sắc tỏa hương? Làm sao để đất trời tràn đầy sức sống. Ấy là hoa phấn đã gắng sức điểm tô cho cái vốn đã trường tồn để cùng “tiếu đông phong” năm này qua năm khác; có biết chăng cuộc đời người ta hữu hạn; trong hai chữ vận mệnh thì “vận” thuộc về người, “mệnh” thuộc về trời, ngày ngày tháng tháng song hành cùng nhau không tránh khỏi có nhiều lúc đối chọi đến mức gay gắt. Bởi vậy, trăm năm lẽ ra là ít; nhưng ngẫm lại thì mạng sống kia cũng vẫn là của ai nấy giữ, rồi níu kéo mãi cũng đành cạn sức phải buông, tuy rằng nhanh chậm khác nhau; như con kiến bé nhỏ lọt thỏm trong đống rơm, vậy mà chỉ bò đi bò lại cũng đến tận trăm năm; hẳn cũng đã là nhiều.
Người ta nói tuế nguyệt trên đầu tuy trường tồn mà cứ đứng đó thờ ơ với thế gian, đến mức vô tình vô nghĩa chỉ có con người mới là loài có tình cảm, biết sẻ chia. Tôi không cho là đúng. Bởi vì con người có miệng, phát ngôn tự khen mình thế nào chẳng được; giá mà đất đá, sỏi cát, cây cỏ, trời mây, mưa nắng… kia mà cũng đều nói được thì hẳn là chuyện đời sẽ khác. Có phải ngẫu nhiên đâu mà hoa lá, cây cỏ mãi mãi cười vui với gió xuân, nước chảy soi bóng phù vân ngàn vạn năm vẫn cùng nhau đồng điệu, chẳng bao giờ sai hẹn? Còn với nhân gian thì sao? trên tay cầm một cành đào mới mua, cánh tươi rói mà yêu chiều, nâng niu, ngắm nghía, bình phẩm, làm ca từ để khen ngợi…, chỉ sau mấy ngày, dù mùa Xuân chưa hết, lá còn chưa héo, hoa chưa tàn nhưng người ta đã thay đổi hoàn toàn thái độ, mau mau ném bỏ ra ngoài bãi rác. Vậy thì cái “tiếu đông phong” kia của hoa cũng chẳng có ý vị gì với thế nhân vô tình vô nghĩa. Người ta giải thích vì hoa là loài bạc phận, cuộc đời sinh diệt chỉ là vô danh vô tích. Thôi thì những bông hoa đó có thể tìm ra một thứ để mà lý giải cho cái hành trình lạ lùng của nó, rằng dù sao đã từng xuất hiện để làm đẹp cho mùa Xuân trong một vài giây phút…
Đáng tự hào hay đáng ngậm ngùi?
II…
Biện Cơ là một trong số 9 nhà sư – dịch giả tài năng nhất mà Đường Huyền Trang (Đường Tăng) tuyển chọn để làm trợ thủ, giúp ông dịch, chú giải, biên tập lại toàn bộ Kinh sách mà ông mất 17 năm gian khổ mới mang về được từ Tây Trúc xa xôi. Năm đó, người con gái tài năng và xinh đẹp của Đường Thái Tông là Cao Dương công chúa được gả cho con trai của Tể tướng Phòng Huyền Linh là Phòng Di Ái. Vì con người ta có lẽ vốn sinh ra là để phải gánh chịu những cái kiếp nạn của các đời mình trong chuỗi luân hồi mà chạy không khỏi Nhân Quả, cho nên không thể nào tránh được cái “Bát khổ”, chẳng hạn như những việc “Sở cầu bất đắc khổ” (Muốn mà không được nên thành khổ) là rất nhiều. Cao Dương dù sao cũng là một công chúa, lại rất coi thường Phòng Di Ái là một kẻ tầm thường, yếu kém, tài năng và tư cách không bằng một phần nhỏ của cha anh ta nhưng lại phải làm vợ anh ta nên thành ra khổ. Nhưng cái khổ của công chúa lại là cái họa. Sách “Tân Đường Thư” chép ngày nọ công chúa và chồng ra ngoại thành săn bắn, tình cờ gặp Biện Cơ ở ngôi chùa bên đường. Công chúa bị vẻ đẹp, sự thông thái và sức hấp dẫn của nhà sư mê hoặc, trúng tiếng sét ái tình ngay từ cái nhìn đầu tiên. Họ đã lao vào nhau không kìm nén được.
Sử sách đương nhiên nói xấu Biện Cơ hết lời, mặc dù lác đác cũng có một vài lời nhỏ nhoi tỏ vẻ thông cảm. Nhưng tôi thiết tưởng Biện Cơ được Đường Tăng đích thân lựa chọn thì tài năng, nhân cách không có gì nghi ngờ; lại nghe nói là một người chịu nâng niu từng cánh hoa, cứu vớt từng con kiến dưới chân mình không lẽ nào đáng bị chửi mắng? Nhưng sở dĩ sao lại có cái chuyện khổ ải như vậy, là vẫn bởi vì cho đến hết kiếp con người vẫn là khó thoát khỏi “thất tình lục dục”, chẳng qua người tu được nhiều, kẻ tu được ít có dịp thuận lợi bùng phát thế nào mà thôi; mà hơn nữa, mọi thứ không trường tồn đều vì bị trói buộc trong cái sinh mệnh ngắn ngủi của mình mà lo sợ biến mất vô hình khỏi thế gian, cho nên dù người ta có phủ nhận ngoài miệng hoặc không nhận ra chính nội tâm của mình thì trong vô thức vẫn sẵn có mầm mống bất an, tâm không tịnh được, phải làm “náo loạn” cả lên, cũng là một cách phản ứng, ghen tị lại với tạo hóa.
III…
Một người bạn của tôi, ngày nọ tặng tôi những búp sen, bên trong được ướp trà rất cẩn thận, kỳ công trên đầm sen. Tôi rất ấn tượng với mùi hương ướp trong bông như vậy. Tôi thích trà ướp Cúc và Nhài nhất nhưng cũng không thể phủ nhận trà sen có hương vị riêng của nó, một vẻ thoát tục nào đó không thể kể bằng lời.
Nhiều khi người ta khen, chê trà ngon hay không ngon tôi cũng chẳng biết là theo tiêu chí nào nữa, có lẽ căn cứ vào cảm tính, hoặc là thành kiến tâm lý. Nếu theo khoa học thì hàm lượng cafein rồi tanin là rất quan trọng (cho nên các loại trà kiểu như Trà Ô Long “xịn” mới có giá trị) nhưng trên thực tế thì cả protein, dầu thơm, men, sắc tố, pectin, vitamin, nước, ấm, chén… đều có ảnh hưởng về mặt cảm nhận. Còn đối với người uống trà, đôi khi trạng thái tâm lý, định kiến, hiện tượng trên khay, hình ảnh xung quanh… mới quyết định sự cảm thụ về trà.
Đối với tôi thì ra khỏi nhà mọi việc rất đơn giản. Xã hội xô bồ, vốn xung quanh ta đang đầy tiếng ồn, mùi khói, nồng độ bụi, sự sân si của người đời thì uống gì mà chẳng được. Tôi chỉ có nhu cầu uống trà tốt khi ngồi nhà một mình hoặc tiếp bạn đến chơi, nói chuyện văn chương hoặc hội họa, chuyện nhân tình thế thái…
Uống trà là uống gì? Trà đen hay trà xanh mới hay? Uống thuần túy theo kiểu ẩm thực để xem có “ngon” hay không? uống hương hay uống vị hay cả hai và làm sao để thẩm định? Đó không phải là câu chuyện đơn giản đâu. Tôi thấy người ta thường hay tranh luận, nhận xét và ai cũng có lý do riêng của mình về trà, đến mức có nhiều loại trà được coi là thượng hạng nhưng người uống vẫn cứ cho là “không có gì đặc biệt”, thậm chí còn chê dở… Có lẽ bởi vì nhiều người không tin rằng nhận xét thường ngày của chúng ta về trà (ngon, dở, thế nọ thế kia, bình phẩm, tranh luận…) cũng chịu ảnh hưởng rất nhiều từ nhận thức và tư duy triết học tiềm ẩn trong mỗi người.
IV…
Tôi ngủ dậy, uống một chén trà, trong không khí Xuân, cuối năm mà có vẻ trầm lắng. Chỉ thấy bên ngoài ẩm ướt. Một ngày hiếm hoi được ngồi một mình mà không vội vàng. Cô em chuyên bán giấy dó, tranh dó, hoa cúc khô… và những đồ thủ công mà tôi quen bao nhiêu năm nay, sáng sớm đã nhắn tin “chiều anh hãy ghé cửa hàng nhé”. Tính cô ta cẩn thận, biết quan tâm đến cảm xúc của người khác, sợ người ta mất công đến khi chủ nhà đi vắng.
Tôi viết không ít nhưng đọc nhiều hơn viết và nghĩ nhiều hơn đọc. Tôi vẫn đùa với các bạn thân rằng đó là một quy trình thuận. Nhưng một số người cho rằng nghĩ nhiều có thể cũng sẽ gặp “rắc rối” nội tại. Trong cuộc đời nhắm mắt thì có vẻ không tốt, mở mắt có thể cũng chưa tốt mà đôi khi lại cần “mắt nhắm mắt mở”; nhiều việc đáng lẽ bạn không nên nghĩ hoặc giá mà không hiểu bản chất, không tường minh về nó có lẽ sẽ tốt hơn chăng?
Nhưng suy cho cùng, cái “tốt” của “mắt nhắm mắt mở” là cái tốt giả tạo, tự lấy tay bịt tai che mắt mình. Mỗi người từ sinh ra cho đến khi chết đi đều phải có một phong cách sống, không thể không có phong cách nào cả. Đúng phong cách của mình hay uốn theo phong cách người khác (cũng là một phong cách, gọi là phong cách “theo gió”) cũng được, là do mình tự lựa chọn và tự chịu trách nhiệm trước bánh quay luân hồi.
Tôi nghĩ rằng, thực tế để sống có ích, thậm chí có hoài bão để lại cái gì đó cho đời thì chúng ta cũng không cần quá nhiều mối quan hệ, không cần chỗ nào cũng quen cũng biết cũng alo nhưng nên xây dựng được một vài sự tin cậy, cảm thông thực sự. Dù là bạn, là người tình, là con cháu… gặp nhau hẳn là có Duyên, đừng quá thực dụng, hết tiền hờ hững quay lưng như một chiếc lá vèo qua song cửa.
Ngồi viết bài này, vừa nhìn xuống dưới thấy những cánh hoa đào rơi lả lả dưới sân làm tôi nhớ đến mấy chữ của Thôi Hộ “Đào hoa y cựu” (Hoa đào vẫn thế)… Thật mảnh mai mà cũng thật hiên ngang, ngạo nghễ với thế gian với con người. Biện Cơ là một nhân vật của lịch sử, đã hơn 1500 năm đi qua, hẳn là ông đã kịp đầu thai mấy kiếp luân hồi, những kiếp sau chẳng biết ông có chán nản bỏ tu hành hoặc nếu tiếp tục Phật Duyên thì tu hành được đắc đạo hơn không? Vậy thì tảng đá Tam Sinh kia ghi những gì và khi Cao Dương công chúa chết đi, xuống đến cầu Nại Hà có chịu uống canh Mạnh Bà hay liều mình nhảy thẳng xuống dòng Vong Xuyên để chờ 500 năm tìm Duyên gặp lại người tình?
Văn viết rất hay. Những ý tưởng về nhân sinh thật sâu sắc, thấu hiểu tình ái nhân gian. Đọc rất cảm động. ❤️🌹
Thanks!
Cảm ơn đã ghé thăm và để lại lời khen tặng!