
Thời vua Lê Thánh Tông (vị vua văn võ song toàn, ở ngôi 37 năm, dài nhất thời Hậu Lê) là một trong số các thời kỳ phát triển rực rỡ nhất của chế độ phong kiến Việt Nam, người ta thường biết đến với tên gọi Hồng Đức Thịnh Thế với rất nhiều chính sách tiến bộ, an dân. Mặc dù không thể tránh khỏi những hạn chế của một vị vua phong kiến nhưng ông đã cố gắng hoàn thiện bộ máy nhà nước, quản lý hành chính, cải cách kinh tế giáo dục, củng cố luật pháp… Đặc biệt vua say mê học vấn, yêu thích văn chương rất chú trọng đến chế độ khoa cử và tôn trọng, ưu đãi giới trí thức. Nhà vua cũng là một nhà nghiên cứu, một nhà thơ lớn để lại rất nhiều tác phẩm thi ca có giá trị. Không chỉ thế, vua còn chú trọng võ nghiệp, thường đích thân huấn luyện và chỉ huy quân đội: phía bắc chặn nhà Minh giật giây bọn phiến loạn, phía nam thì mở rộng bờ cõi ép xuống Chiêm Thành, bắt cả vua của họ và buộc các nước như Lão Qua, Bồn Man thần phục…
Vào năm Tân Hợi (1491), vua Lê Thánh Tông cho người xây “Quảng Văn đình” (廣聞亭 – hiểu nôm na: Quảng: rộng, lớn; văn: nghe; đình: ngôi nhà, trạm, nơi làm việc) ở cửa Đại Hưng, tức cửa Nam kinh thành. Quảng Văn đình thể hiện tinh thần của nhà cầm quyền muốn nghe ý kiến người dân, do đó, tại đây được bố trí một cái trống lớn để cho người dân đến đánh trống kêu oan hoặc cấp báo vụ việc. Vào đầu tháng, triều đình cử người đến giảng giải và tuyên truyền các loại phép nước, chỉ dụ để cho dân biết và thực hiện; ngoài ra có thể dùng làm nơi yết bảng các vị tiến sĩ tân khoa thời Lê. Đây là một mô hình kết nối tương đối đặc biệt của triều đình với dân chúng, tuy chưa phải là dân chủ gì cả nhưng ít ra cho thấy rằng vua cũng biết tôn trọng và có phần… sợ dân
Đến thời Nguyễn, nơi đây vẫn được sử dụng làm nơi niêm yết giấy tờ của bộ máy cai trị tỉnh Hà Nội. Sau này quan tỉnh còn dùng làm “giảng đường” để giảng “thập điều” cho bô lão hương chức để giáo huấn và mị dân.
Tuy nhiên đến thời thuộc Pháp, nhà cầm quyền thực dân đã phá hủy đình và đổi nó thành “Place Neyret”, sau đó vào năm 1896, Pháp còn cho dựng một bản sao của Nữ thần Tự do. Phải nói rằng đây là một trò hề lộ liễu, người Pháp quá coi thường nhận thức của nhân dân An Nam vì một tên thực dân lại đi dựng tượng “nữ thần Tự Do” trên đất nước mất tự do và đang bị nó đô hộ? Cho nên bức tượng Nữ thần Tự do này bị người Việt bôi bác gọi là “Tượng bà đầm xòe”, vị trí vườn hoa cũng bị gọi là “Vườn hoa Đầm Xòe” – nghe khôi hài hết sức. Thế nhưng cứ chiều chủ nhật thì lính quân nhạc Pháp lại đến đây thổi kèn đánh trống cho “quần chúng”, chủ yếu là “Tây Đầm” xem và vỗ tay.
Khi Nhật đá đít Pháp, chính phủ Trần Trọng Kim được thành lập, bác sĩ Trần Văn Lai được bổ nhiệm làm đốc lý Hà Nội, trở thành thị trưởng đầu tiên. Cụ Lai đã lập tức bỏ tiếng Pháp mà dùng tiếng Việt làm ngôn ngữ hành chính và xóa hết các thể loại tên ông Tây bà Đầm để thay tên danh nhân Việt Nam cho các địa danh ở Hà Nội. Đặc biệt, cụ còn cho người giật đổ các loại tượng đài của Pháp đã dựng ở Hà Nội trong đó có “Tượng bà đầm xòe”.
Ngày nay, “Tượng bà đầm xòe” đã đổ từ lâu nhưng dấu vết của ngôi đình thời Lê, Nguyễn cũng không tìm thấy nữa. Thời gian trôi qua, lịch sử đã chẳng còn mấy người nhớ tới, chỉ còn lại một vườn hoa nho nhỏ, xe cộ năm sáu ngả đổ về, lãnh đạm lướt qua như mắc cửi…

(Ảnh: Nhà bia tiến sĩ, Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Hà Nội)
Leave a Reply