
Chứng kiến một đám tang, bạn có bao giờ tự hỏi một người rời xa cõi đời để lại những gì và có gì hối tiếc?
Con cái – đương nhiên rồi, đó không chỉ là tài sản lớn nhất mà còn là hình bóng của người đã khuất, là phần còn sót lại của họ trên trần thế để tiếp tục duy trì “cái gì đó” của mình (như gen chẳng hạn) mà không hoàn toàn bị biến mất. Đây là biểu hiện về mặt vật chất của một đời người.
Uy tín, trí tuệ, ấn tượng, sự kính trọng… hay tất cả những gì tương tự – đó hẳn là những gì mà cộng đồng, xã hội và mọi người mong chờ. Đây là cái mà mỗi người có thể đóng góp trực tiếp cho xã hội và thu về được tình cảm tích cực. Nó chính là biểu hiện về mặt tinh thần của một đời người.
Tài sản – cũng có thể, nhưng nó là cái có thể hao đi và biến đổi không ngừng; chức vụ, quyền hạn – cũng có thể nhưng nó càng không bền, thậm chí tiêu tan từ rất sớm, ngay khi con người còn đang trẻ khỏe. Những thứ đó gọi là vật ngoại thân.
Còn điếu văn? Chủ yếu để một số người sống tỏ ra quan trọng và đọc cho nhau nghe chứ tôi nghĩ rằng người chết đâu có nghe điếu văn về mình. Ai để ý, sẽ thấy mặc dù gần như đã có mẫu chung nhưng điếu văn cho một người này khác điếu văn cho người khác, có người ngắn ngủi vài dòng nhưng có người dài lê thê các danh hiệu, địa vị, chức vụ… Có điều, gần như chẳng mấy ai quan tâm đến những liệt kê dài dòng đó trong lúc “tang gia bối rối”, mà dù có tạm nhớ thì ngày mai thức dậy rồi cũng sẽ quên hẳn một lần cho mãi mãi.
Khi ta còn tại thế làm gì cho đời, sống sao với mọi người, để lại những gì, được đánh giá thế nào mới quan trọng.
Điếu văn dài hơn người đời một và dòng thì có chắc hạnh phúc hơn không?
Và trên đường hoàng tuyền cát bụi liệu có siêu thoát được nhanh hơn không?
Leave a Reply