
Dạo gần đây thấy người ta gọi những người từ thiện, những nhà hảo tâm, những người làm việc nghĩa là Mạnh Thường Quân. Chẳng lẽ trên đời này có ông Mạnh Thường Quân tốt bụng thế sao?Trước hết phải nói rằng, mặc dù dân ta chửi Tàu như hát hay nhưng mỗi khi nói văn vẻ, nói thanh nhã thì toàn lôi điển tích, văn học, văn hóa của Tàu ra dùng. Cùng với xu thế đó, Mạnh Thường Quân cũng là một gã Tàu chính hiệu.
Chuyện về Mạnh Thường Quân trong nhiều tài liệu, cơ bản nhất là Sử ký Tư Mã Thiên, rồi đến các cuốn khác như Đông Chu Liệt Quốc, Chiến Quốc sách…
Mạnh Thường Quân chỉ là tước hiệu, tên thật ông ta là Điền Văn, người nước Tề trong thời Chiến Quốc. Cha ông ta là Điền Anh có tước hiệu Tĩnh Quách Quân, là con thứ của Tề Uy Vương. Cha con Điền Anh được cho làm chủ một vùng gọi là đất Tiết, cũng coi như vua nhỏ một phương. Như vậy Điền Văn là dòng con ông cháu cha chính hiệu, được thừa hưởng vinh hoa phú quý từ cha ông mình.
Giới quyền thế thời Chiến Quốc có một chiêu bài quen thuộc là dùng vật chất để chiêu nạp tân khách và thuộc hạ. Đơn giản nhất là để một khoản tiền “mở rộng cửa” đón tất cả các nhân vật khắp bốn phương về để nuôi nấng chu cấp cho họ. Tân khách có khác với thuộc hạ ở chỗ, họ không buộc phải phục vụ dưới trướng của người chu cấp nhưng người chu cấp vẫn nuôi họ để lấy lòng và khi có việc cần dùng thì kêu gọi hoặc dụ dỗ họ làm việc cho mình. Mạnh Thường Quân muốn gia tăng thế lực, thực khách hay môn khách (tức là hạng khách được nuôi ăn, ở) đến nương nhờ Mạnh Thường Quân rất đông, người tử tế cũng có mà hạng tội phạm đầu trộm đuôi cướp cũng nhiều. Hạng môn khách được chia làm ba loại với các chế độ đối đãi khác nhau cho nên giữa họ luôn có sự so kè, ganh tị. Đám tân khách mấy nghìn người được vài người có tài có đức còn đa số là giá áo túi cơm, nhiều kẻ lêu lổng, ăn không ngồi rồi trong nhà rồi tự phân tầng với nhau chia phe chia bè chí chóe. Thời Chiến Quốc có nhiều người nuôi thực khách mà nổi tiếng hơn cả chính là Mạnh Thường Quân và ba người nữa là Bình Nguyên quân Triệu Thắng nước Triệu, Tín Lăng quân Ngụy Vô Kỵ nước Ngụy, Xuân Thân quân Hoàng Yết nước Sở. Do đám thực khách không được chọn lọc mà chỉ là “long xà hỗn tạp” nên thông thường khi chủ nhà giàu có thì đến, khi hết tiền hoặc mất chức thì họ cắp mông chạy đi. Khi Mạnh Thường Quân bị thất thế, thực khách bỏ chạy hết cả.
Mạnh Thường Quân Điền Văn được phái đi sứ nước Tần, dù là đi công vụ nhưng môn khách ăn bám đi theo ông ta sang thành Hàm Dương của Tần đông như trẩy hội. Vua Tần định giam lỏng không cho ông ta về để có gì thì giết luôn tránh họa cho nước Tần. Điền Văn bèn gặp một ái phi của vua Tần để nhờ bà ta nói giúp cho về nước. Bà này thích một cái áo lông chồn nhưng áo này Mạnh Thường Quân lại tặng vua Tần mất rồi. Một môn khách dưới trướng ông ta có tài sủa như chó, đêm đó giả tiếng chó sủa để lừa thị vệ rồi lẻn vào cung ăn cắp được cái áo. Mạnh Thường Quân đem cái áo đó cho người phi tần, bà ta tâu với vua Tần cho Mạnh Thường Quân về nước.Nhận được giấy thông hành, Mạnh Thường Quân vội vã thu dọn hành lý tức tốc lên đường. Tới ải Hàm Cốc lúc nửa đêm nhưng theo quy định đêm không được xuất quan, phải đợi gà gáy sáng mới mở cổng. Thế là một gã thực khách khác có biệt tài giả tiếng gà gáy lại ra tay. Nghe tiếng gà gáy giả, các con gà thật cũng gáy phụ họa, thế là tướng giữ ải tưởng trời sáng bèn mở cửa kiểm tra giấy thông hành rồi cho đoàn của Điền Văn qua. Lại nói vua Tần hối hận thả Mạnh Thường Quân về nên sai phi mã chạy theo báo quan giữ ải bắt Mạnh Thường Quân lại nhưng không kịp. Điển tích này sau được các từ điển ghi lại thành (雞鳴狗盜, Kê minh Cẩu đạo), tức là “Gà kêu chó trộm” để chỉ những kỹ năng thủ đoạn thấp hèn, tác phong đê tiện, tiểu nhân không quang minh lỗi lạc. Chẳng hay ho gì.
Mạnh Thường Quân từ Tần về đi qua Triệu. Bình Nguyên Quân Triệu Thắng nghe tin đem người ra ngoài xa cung kính tiếp đón. Người dân vốn nghe danh Mạnh Thường Quân từ lâu cũng kéo nhau đi xem mặt. Một số người dân thấy Mạnh Thường Quân nhỏ bé không được khôi ngô như họ nghĩ nên bàn tán, cười cợt, Mạnh Thường Quân nghe vậy, nổi giận. Đám tân khách đi theo đều xuống xe: “chém chết mấy trăm người, diệt một huyện rồi đi”. Bình Nguyên Quân Triệu Thắng dù tức giận cũng không làm gì được, đành ngậm bồ hòn làm ngọt.
Trong số môn khách của Điền Văn có người là Phùng Hoan. Người này được Mạnh Thường Quân cho đi thu tiền nợ ở đất Tiết. Phùng Hoan đến gặp các con nợ lấy giấy nợ của họ rồi đốt hết đi, xóa sạch nợ. Mạnh Thường Quân giận lắm trách mắng thì Phùng Hoan mới nói rằng ông ta đang ban phát ân nghĩa, để cho các con nợ vĩnh viễn nợ ân tình của Mạnh Thường Quân. Đây chính là cái “hang thỏ” thứ nhất để phòng khi sa cơ. Quả thật, khi Mạnh Thường Quân thất sủng, mất chức tướng quốc, ông ta đành trở về đất Tiết của mình thì nhiều người nợ ân tình xưa kia ra đón chào khiến cho Mạnh Thường Quân được đắc ý. Lúc Phùng Hoa lại khuyên tiếp: “Con thỏ tinh ranh có 3 cái hang để tránh nguy hiểm, nay ngài mới chỉ có 1 hang, không thể kê cao gối ngủ được. Xin ngài cho tôi giúp ngài đào thêm 2 cái hang nữa”. Thuyết này sau người đời gọi là “兔子有三個窟穴, thố tử hữu tam cố quật huyệt” tức là “thỏ có ba hang”, nếu xét về thuật chính trị thì đích thực là cao tay.
Phùng Hoan tiếp tục tạo cái hang thứ hai bằng cách khuyên Mạnh Thường Quân “đi dây” với nước Ngụy là nước đối thủ của Tề để gây áp lực cho vua Tề. Phùng Hoan sang tâu với vua Ngụy: “Vua Tề đuổi Mạnh Thường Quân, quý quốc tìm cách thu nhận người này thì nhất định sẽ cường thịnh”. Vua Ngụy cho người đi chiêu nạp, quần thần vội báo tin cho Tề Vương, Tề Vương giận lắm nhưng đành nhịn Mạnh Thường Quân, xin lỗi ông ta và cho phục chức, lại còn tăng thêm thực ấp.Nhân thế đang mạnh, Phùng Huyên khuyên Mạnh Thường Quân xin Tề Vương cho phép lập tông miếu ở thành Tiết, đời đời truyền thừa phong ấp để con cháu vinh hoa mãi mãi. Trong kế hoạch thì đây chính là cái hang thứ 3. Cuối cùng, Phùng Huyên mới tổng kết lại: “3 cái hang đã làm xong rồi, hiện nay ngài có thể gối đầu cao ngủ”. Mặc dù Mạnh Thường Quân được vinh hoa, yên ổn đến chết nhưng đời con cháu của ông thì đứt đoạn. Sau khi ông chết, con cháu đấu đá tranh giành, lúc này Tề và Ngụy chướng mắt với thế lực ở đất Tiết nên hợp nhau diệt hết hậu duệ của Mạnh Thường Quân thật là bi thảm.
Xét cho cùng, Mạnh Thường Quân là một chính trị gia, thủ đoạn là đương nhiên. Dưới trướng ông ta có những hạng người được nuôi ăn để phòng khi có đại sự, bản thân họ cũng bày mưu tính kế để nhận được sủng ái và tiến thân. Mạnh Thường Quân nuôi tới mấy nghìn người nhưng điều đó không hẳn là xuất phát từ lòng nhân ái thuần túy mà về cơ bản phục vụ động cơ chính trị. Hơn nữa, về tư cách con người của ông mới chỉ dừng lại ở mức mang lợi lộc, tiền của ra ban phát mua chuộc để tìm đường rút cho mình chứ đâu phải phát tâm hỉ xả. Để bảo vệ địa vị của mình, ông không chịu thiệt để làm trung thần mà dùng kế bắt tay với nước đối địch để ép vua mình nhượng bộ. Mặc dù dùng chiêu bài “chiêu hiền đãi sĩ” nhưng khi bị bọn dân đen ít học bôi xấu và xúc phạm thì ông nổi khùng mà không có lòng độ lượng khoan dung cho họ, đến mức làm chết bao nhiêu mạng người không đáng. Tư Mã Thiên chỉ nhận xét Mạnh Thường Quân là “hiếu khách” thôi, việc xóa nợ cho con nợ thực ra là do Phùng Hoan tự ý “thị nghĩa” (mua nghĩa) chứ cũng chẳng phải do Mạnh Thường Quân muốn thế (mặc dù về sau ông ta thấy đúng vì việc đó là có lợi).Tư Mã Thiên lại viết: “Tôi thường qua đất Tiết, thấy phong tục thôn xóm phần đông con em theo thói hung bạo, khác hẳn đất Trâu đất Lỗ. Hỏi thì nghe nói rằng “Mạnh Thường Quân kéo bọn hiệp khách, bọn gian manh khắp thiên hạ về ở đây hơn sáu vạn nhà, nên thành ra vậy”. Thế gian truyền tụng Mạnh Thường Quân hiếu khách, thiệt là không ngoa”.
Nói vậy là khen hay chê Mạnh Thường Quân?
Ở phương diện một nhà chính trị, Mạnh Thường Quân không tồi và cũng không phải hạng người bị nguyền rủa, có điều xét ở phương diện nhà từ thiện, nhân đạo của ông ta thì những tiền nhân của chúng ta đã bị nhầm lẫn một cách đáng tiếc. Có lẽ do thời xưa, các cụ mới chỉ nhìn thấy được cái “hiếu khách” của Mạnh Thường Quân khi nghe nói nhà ông nuôi nhiều thực khách, cho họ ăn uống, chơi bời… nên tưởng rằng đó là hảo tâm, là nhân đạo, là tốt bụng mà không hiểu rằng đó là mốt, là lẽ thường, là phương thức hoạt động chính trị phổ biến thời Chiến Quốc và bản thân Mạnh Thường Quân cũng có mục đích duy nhất là bảo vệ quyền lợi, địa vị của mình và gia tộc. Kể cả xét về phương diện tình cảm giữa chủ và thực khách, Mạnh Thường Quân có lẽ còn chưa so được với Bình Nguyên Quân và đặc biệt càng không thể so với Tín Lăng Quân là những người cùng thời…
Các cụ thời xưa lấy danh xưng Mạnh Thường Quân để gọi người từ thiện làm cho con cháu đời sau cứ sai mãi, mà điều ngạc nhiên là ngay chính người Trung Quốc lại chưa từng đề cao Mạnh Thường Quân ở phương diện này.Cho nên gọi những người phát tâm từ thiện, làm việc nghĩa, làm việc công ích là Mạnh Thường Quân khác nào bảo họ đang “xây ba cái hang thỏ” có mục đích mưu lợi, đồng thời nói rằng những người được nhận từ thiện giống như đám môn khách, có ăn thì đến hết gạo thì đi đủ loại người, gồm cả bọn lưu manh ăn chơi lêu lổng?
Hay là chủ ý muốn nói vậy?
Nói thật thì hơi đau, nhiều người lại “nhột”. Vẫn là câu “học theo Tàu nhưng chẳng bằng Tàu” là thế.

Leave a Reply