
Công án là một thuật ngữ được dùng rất nhiều trong Phật giáo. Phát âm Hán Việt này đối với người Việt vừa quen thuộc, vừa lạ lẫm bởi vì nghe quen, vẫn gặp trong đời sống nhưng không hiểu rõ nghĩa.
Hiện nay nó là một thuật ngữ dùng nhiều trong nhà Phật đặc biệt là Thiền Tông nhưng ngoài các ngữ cảnh này thì ít gặp trong đời thường nên không phải từ điển nào cũng đều giảng.
Trước hết, xem “Hán ngữ Từ Hải” giảng ra sao: 1. 指官吏审理案件时用的桌子; 2. 指疑难案件, 泛指有纠纷的或离奇的事情; (Nghĩa là: 1. Chỉ cái bàn của quan lại khi thẩm lý vụ việc (đây là nguyên nghĩa, nghĩa đen); 2. Chỉ sự việc nghi ngờ/ khó hiểu, dùng để phiếm chỉ sự việc có tính rắc rối hoặc kỳ lạ). Nghĩa đen của từ ghép chính phụ 公案 này có thể suy luận được do “công” nghĩa là công khai, chính thức, chính quyền, tập thể, công cộng… còn “án” nghĩa là cái bàn, bàn làm việc, hồ sơ, vụ việc.
“Từ điển Phật học” (Đạo Uyển) giảng về công án: “Nguyên nghĩa của danh từ này là một án công khai, quyết định phải trái trong quan phủ;
Một thuật ngữ quan trọng của Thiền tông, chỉ một phương pháp tu tập thiền định đặc biệt.
Công án có thể là một đoạn Kinh, một kinh nghiệm giác ngộ, một câu chuyện về một vị sư, một cuộc đàm thoại, vấn đáp hay một cuộc Pháp chiến. Nhưng chúng có chung một điều là nói đến thể tính của vạn vật. Ðặc trưng của công án là thường thường nghịch lí, “nằm ngoài phạm vi của lí luận”. Công án không phải là “câu đố” thông thường vì nó không hề được giải đáp bằng lí luận, muốn hiểu nó phải nhảy qua một cấp độ khác của nhận thức”.
“Phật Quang Đại từ điển” (bản dịch Thích Quảng Độ) giảng: “Nghĩa gốc là cái án lệ do các quan phán quyết phải trái. Thiền tông ghi chép những lời nói và việc làm của các bậc cao tăng qua các đời để làm kim chỉ nam cho người tu Thiền, lâu ngày đã trở thành một loại đối tượng để suy xét, hoặc là bài minh treo bên phải của chỗ Thiền giả ngồi. Loại ngôn hành lục này cũng hệt như một bản thông cáo chính thức của Chính phủ, nó phải đuợc tôn trọng, không ai được xâm phạm, nó có thể mở mang tư tưởng, giúp người nghiên cứu, đồng thời, là phép tắc để đời sau nương tựa, cho nên gọi là công án. Cái phong khí này được khởi xướng từ đời Đường, đến đời Tống thì rất thịnh hành.”
Đến sách “Danh từ thiền học chú giải” thì đã giải thích ngắn gọn về công án như sau: “Một vụ án (chuyện tích) chẳng thể dùng bộ óc để lý giải, làm cho thiền giả cảm thấy thắc mắc mà phát khởi nghi tình, gọi là công án. Khoảng giữa thế kỉ thứ 10, Thiền tông bắt đầu dùng công án như phương tiện để giáo hóa và các thiền sinh sử dụng chúng làm đối tượng quán tưởng trong lúc thiền. Vì lời giải của công án thường nằm ngoài lí luận, nên thiền sinh thấy rõ giới hạn của tư duy và bị buộc phải chuyển hóa tâm thức bằng một bước nhảy của trực giác, nhảy qua khỏi sự mâu thuẫn của lí luận nhị nguyên. Với tâm thức này, thiền sinh có một kinh nghiệm trực tiếp về thể tính. Phương tiện công án được phổ biến trong các dòng Thiền Lâm Tế, Tào Ðộng ở Trung Quốc và Nhật Bản.”
Thiền Tông phát triển mạnh ở Nhật Bản, trong sách vở đã sử dụng thuật ngữ này do du nhập từ Trung Quốc về và đọc “kōan” – thuật ngữ Thiền Tông cũng là từ Hán Hòa.
Thiền sư Trung Phong Minh Bản thời Nguyên cho rằng công án là lối viết gọn của 公府之案牘, nghĩa là hồ sơ, văn kiện công khai hay văn bản của vụ việc của công đường vào thời nhà Đường Trung Quốc.
Cách nói “công án” trong Phật giáo là một phép ẩn dụ đối với các nguyên tắc thực tế cơ bản của Thiền nằm ngoài cảm nhận và lý giải cá nhân của một người. Thiền sư căn cứ vào đó có thể khảo nghiệm để biết khả năng nhận thức và giác ngộ các vấn đề của thiền sinh.
公案 (“công án”) là một thuật ngữ Phật giáo, nó được xác lập ngữ nghĩa qua chữ Hán, có thể coi là thuật ngữ gốc, về sau nó khi chuyển qua các ngôn ngữ khác, người ta không chuyển ngữ mà thực hiện việc phiên âm. Cho nên không chỉ tiếng Nhật với âm “kōan” mà các ngôn ngữ khác cũng đều bảo tồn âm như tiếng anh “Koan”, tiếng Pháp “Kōan”, tiếng Đức “Kōan”, tiếng Nga “Коан”…
Leave a Reply