Y bát

Thủy mặc
Sơn thủy (tranh thủy mặc Tiểu Phi)

Việc xin ăn của người tu hành có ý nghĩa riêng, độc đáo. Xin ăn không phải là ăn bám, thực chất nó là một sự trao đổi, chẳng qua cái trao đổi này không thương mại hóa thành hàng hóa và không cần tìm ra “vật đương giá” để qui đổi qua lại. Người tu hành nhận bát cơm của quần chúng cho, uống bát nước quần chúng tặng… không có nghĩa họ ăn xong, uống xong rồi sẽ lăn đùng ra ngủ, tồn tại cho qua ngày đoạn tháng, mà đối với họ, ăn, uống là việc ngoại thân, chẳng qua buộc phải thực hiện để duy trì sức sống trên trần gian. Cái sức sống đó giúp cho người ta tồn tại để có sức lực mà thực hiện những điều cần phải làm trong kiếp người. Cho nên tuy sự sống là ngoại thân nhưng sự sống lúc nào cũng không đủ cho công việc và hoài bãi nên người ta phải cố gắng hết sức. Lý do đơn giản vì những điều cần làm trong cõi đời quá nhiều so với tuổi thọ của con người.

Điều này thật đúng với quan niệm “ăn để sống chứ không phải sống để ăn”. Khi đó, với con người của công việc, ăn uống thật sự đơn giản để phục vụ cho cái gọi là “sống” của họ, nói cách khác là phục vụ cho hoài bão của họ.

Người tu hành trong đạo Phật vốn ban đầu là những khất sĩ. Ngoài lý do nêu trên, người tu hành còn buộc phải có sự trải nghiệm thực tiễn, vì thế họ phải đi du hành, du học bốn phương. Trên bước đường đó, hành trang của họ mang theo là những gì tối cần thiết: quần áo mặc trên người, cái bát, bình nước… mà thôi. Ta cần hiểu rằng y nghĩa của việc khất thực rất nhiều và rõ ràng, ví dụ:

  • Không bận rộn sinh kế để tập trung cho tu hành;
  • Không còn kiêu căng tự đại vì mình là người đi xin bố thí;
  • Không thể tham ăn, kén ăn, ai cho gì ăn nấy;
  • Không bận rộn nấu nướng để có thời gian truyền đạo, coi việc ăn là để tồn tại, để đủ sức mà cống hiến, chứ không phải tồn tại để ăn;
  • Tạo cơ hội cho người với người bố thí cho nhau để tạo nghiệp tốt;
  • Tạo cơ hội giao tiếp với nhau qua đời sống để cảm hóa;
  • Giáo dục sự cần kiệm, giản dị và quí trọng thức ăn, của cải, chống lãng phí.

Nói một cách tổng quát hơn thì một khất sĩ[1] là một vị “xuất gia học đạo”, lang thang khất thực hằng ngày, dùng chung cho Phật đạo và ngoại đạo. Tại Ấn Ðộ, người ta thường dùng ba danh từ chỉ một người khất sĩ, đó là Anāgārika (Vô gia cư), Bhikṣu (Tỉ-khâu), và Śramaṇa (Sa-môn, Du tăng). Ba từ này đều có thể hiểu là Khất sĩ, được dùng chung cho Phật đạo và ngoại đạo” (Từ điển Phật Giáo). Đây vốn là một nam giới xuất gia, sống cuộc đời không nhà. Theo quan điểm nguyên thủy, chỉ có những người sống viễn ly mới có thể đạt được Niết-bàn. Hoạt động chính của những vị này là thiền định và giảng dạy giáo pháp, không được thụ hưởng cuộc đời và chịu sống lang thang không nhà. Giới luật của tỉ-khâu là đời sống nghèo khổ, không vợ con và thực hành từ bi, được đề ra trong Luật tạng.

3/ Cuộc sống cơ hàn của tỉ-khâu được thể hiện trong chiếc “Tam y” (áo ba manh) của các vị đó, gồm có ba phần (s: tricīvara) và do vải vụn kết lại. Vật dụng hàng ngày chỉ gồm bát khất thực, dao cạo, kim chỉ, đồ lọc nước và gậy kinh hành. Tỉ-khâu không được nhận tiền bạc hay các vật dụng khác. Thức ăn là do cúng dường, thuốc men chủ yếu là nước tiểu thú vật. Tuy nhiên đó là một bộ trang bị “đầy đủ nhất” có thể, còn trên thực tế rất nhiều tỉ-khâu chỉ có mỗi bộ y phục và chiếc bát mà thôi.

Kẻ khất sĩ phải mặc cái áo “ba manh”, cầm chiếc “bát xin ăn” để đi khắp nơi quan sát, học hỏi và chiêm nghiệm. Nói cách khác về hành trang cá nhân, nhà sư đạo Phật có hai bảo vật quan trọng nhất là chiếc áo cà sa và chiếc bình bát. Ngoài ra, tất cả những thứ khác đều không có nghĩa lý gì, đều không được coi là vật tùy thân của tu sĩ. Tuy ngày nay xã hội thay đổi, tôn giáo cũng có nhiều cải biến, phái Bắc Tông đã không còn việc khất thực nhưng dấu ấn của khất thực vẫn còn rõ nét trong Phật Giáo Nam Tông.

Tam y (áo ba manh, 三衣; S: tricīvara) là y phục ba phần, cũng được gọi là “Nạp y” (衲衣; s: kanthā) có nghĩa là bộ áo vá chắp. Bộ áo này thực sự do vá víu mà thành, không phải là bộ áo nguyên lành.

Y phục của một Tỉ-khâu hoặc Tỉ-khâu-ni. Phần trong (dưới) được gọi là An-đà-hội (安陀會; s: antaravāsaka) là một mảnh vải vá (năm mảnh vải vá lại) cuộn lại dùng làm đồ lót dưới. Phần ngoài là Uất-đa-la-tăng (鬱多羅僧; s: uttarāsaṅga) cũng là một tấm vải vá dùng để khoác ngoài để đi khất thực. Phần thứ ba là Tăng-già-lê (僧伽梨; s: saṅgāti), một tấm vải khoác ngoài, chỉ được dùng trong những ngày lễ và được vá từ 9-25 mảnh vải nhỏ. Màu của nạp y thường là màu vàng nhưng cũng thay đổi tùy theo tông phái, theo truyền thống. Tăng, ni tại Trung Quốc thường mang màu xanh, nâu. Tại Tây Tạng người ta chuộng màu đỏ, tại Nhật màu đen. Tất cả những y phục này đều phải được may từ nhiều mảnh vải để nhấn mạnh truyền thống sống cơ hàn, vô sản của một tỉ-khâu.

Còn chiếc “Bát” (tiếng Phạn là bát-đa-la) là dụng cụ đựng thức ăn khi khất thực của các Tỉ-khâu. Truyền thống đem bát đi khất thực vẫn còn giữ trong các nước theo Phật giáo Nam truyền. Trong các tranh tượng, bát là dấu hiệu của một vị giáo chủ khi vị này ngồi thế Kết già với tay cầm bát (Bảo Sinh Phật).

Ta biết rằng tuy tỉ-khâu thường sống một cuộc đời lang thang nhưng điều đó cũng không phải diễn ra quanh năm suốt tháng. Có một giai đoạn ba tháng, họ tu luyện trong một “Thiền viện” gọi là “An cư” (安居) hoặc an trú trong một tinh xá (精舍; s, p: vihāra) vì thời tiết nhiều mưa không cho phép đi du hành. Người ta cũng thường gọi là Hạ an cư (夏安居; j: ge-ango) – an cư mùa hè hoặc là Vũ an cư (雨安居; j: u-ango) – an cư mùa mưa. Nếu đi lại trong mùa mưa, các vị có thể gây tai hại cho động vật và cây cối. Vì vậy, các vị chỉ được rời tu viện vì lí do đặc biệt trong mùa này. Mùa An cư này được chấm dứt bằng buổi lễ Tự tứ[2], trong đó các vị cùng sống chung trong thời gian qua kiểm điểm lại lỗi lầm hay thiếu sót với nhau. Qua năm tháng, tỉ-khâu ít đi vân du, các vị sống nhiều trong các tu viện, tuy nhiên, tục đi hành hương chiêm bái vẫn còn được giữ đến ngày nay. Ngày nay, các tỉ-khâu phần lớn vẫn còn giữ tập tục như hồi đức Phật còn tại thế, nhưng mặt khác, họ phải thích nghi với đời sống xã hội và điều kiện địa lí. Ví dụ như các tỉ-khâu Trung Quốc thường hay làm công việc đồng áng, đó là điều mà tỉ-khâu ngày xưa không được làm vì sợ giết hại sinh mệnh côn trùng. Trong một vài trường phái của Tây Tạng và Nhật Bản, tỉ-khâu có thể lập gia đình, có vợ con. Các qui định về khất thực cũng thay đổi nhiều qua thời gian.

4/ Bởi vì người tu sĩ hành khất không có tài sản gì giá trị. Tất cả tài sản của họ chỉ nằm ở trải nghiệm, nhận thức và trí tuệ để cố gắng đạt tới trạng thái “Ngộ” đạo. Về hình thức, chiếc bát và áo cà sa của thầy tu trở thành vật phẩm quí giá và có tính biểu tượng nhất, vì thế trong khi truyền đạo thì họ truyền cho nhau chiếc bát và manh áo để kẻ sau noi gương nối tiếp người trước mà tu hành chính đạo. Đời đời truyền đạo cho nhau gọi là y bát 衣鉢. Vốn nghĩa gốc của y bát là chiếc áo cà sa và cái bát của nhà sư truyền lại cho môn đồ, dần dần sau này được dung để ám chỉ chung tư tưởng, học thuật, kỹ năng … truyền lại cho đời sau. Vì vậy, chỉ những người xứng đáng nhất mới được truyền y bát.

Ở đây, việc truyền y bát cũng là một vấn đề có tính xã hội. Không thể khác được vì thế giới đệ tử của đạo Phật cũng là một xã hội với đầy đủ tính chất của nó. Ngay trong “Kinh Pháp Bảo Đàn” có kể lại việc thầy Ngũ Tổ truyền y bát cho Huệ Năng cũng phải bày ra kế, rồi nhân trong đêm tối mà kêu sư Huệ Năng “đào thoát” về phương Nam để tránh họa. Vậy mà vài trăm người cũng đuổi theo để định đoạt lại y bát.

Cho nên, cái y bát tuy chỉ là hình tướng bề ngoài, là cái xác nhưng ngay cả người tu tập theo đạo Phật cũng gần như không ai nhận ra điều đó, vẫn lao vào tranh đoạt khốc liệt. Ai cũng cho là mình tài, giỏi, xứng đáng mà thực ra thì tất cả đều là những kẻ chủ quan, cảm tính và tội lỗi cả. Vậy cũng không có gì mâu thuẫn với qui luật bởi vì việc tu luyện, giác ngộ là việc khó khăn, ngàn năm có một, người tu thì nhiều thành công lại ít. Vì thế đâu phải cứ ai khoác áo thầy tu, tự nhận là đệ tử của Phật là đã thành chính quả. Chỉ có điều không bao giờ có sự ăn may, nếu không học tập, không tu luyện, không uốn nắn thì nhất định không bao giờ có thành công, dù là rất nhỏ.

(Tiểu Phi)


[1] Chữ khất 乞 có nghĩa là “xin”.

[2] p: pravāraṇā, chữ Hán dịch nghĩa thành 自恣, tức là tự mình làm theo ý mình, tự mình quản mình, tự do, tự kiểm soát.

About Tiểu Phi 96 Articles
Thật may mắn được kết nối với tri thức nhân loại để học hỏi mỗi ngày!

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*