Đôi điều chữ Nôm

Chữ Nôm đã từng quốc ngữ của dân tộc Việt Nam cho đến đầu thế kỷ XX. Thứ chữ này vốn là loại chữ khối vuông nhưng “ghi âm” của người Việt Nam. Về bản chất, chữ Nôm mượn hình thức của chữ Hán để sử dụng theo đặc thù tiếng Việt.

Từ thế kỷ 16, cùng với sự xuất hiện của người Tây phương là các ký tự Latin. Các thương nhân và nhà truyền đạo phương Tây gặp khó khăn trong việc đọc và ghi chép tiếng Việt bằng chữ Hán – Nôm nên đã sáng tạo ra phương pháp mới, dùng kí tự Latinh để ghi âm tiếng Việt.

Ban đầu, việc dùng ký tự Latin hay “chữ cái Latin” để ghi âm tiếng Việt vẫn còn là điều lạ lẫm, không thể so sánh được với kho tàng sách vở chữ Nho[1] ở Việt Nam lúc đó. Với sự ảnh hưởng gần như tuyệt đối của văn hóa, văn tự Trung Hoa, quan hệ đối ngoại quan trọng với Trung Quốc, nên việc chữ Hán chiếm ưu thế là điều không thể phủ nhận. Khi chữ Hán phát triển thì làm cơ sở cho chữ Nôm tồn tại và phát triển. Giữa hai loại chữ này có mối quan hệ khăng khít, khác hẳn quan hệ với bảng chữ cái Latin đầy lạ lẫm và “dị biệt”.

Cho nên việc dùng chữ cái Latin để ghi âm tiếng Việt chủ yếu dùng cho những khách ngoại quốc, những nhà truyền giáo và trong một phạm vi hạn chế có tính tự phát. Còn chữ Nôm (và chữ Hán) vẫn dùng song song nhau tới tận đầu thế kỷ 20 mới chấm dứt hoàn toàn.

Do vấn đề lịch sử, đầu thế kỷ 20 nền “Tây học” phát triển mạnh đạt được nhiều thành tựu xuất sắc vượt trội so với “cựu học” (thường hiểu là Hán học), trở thành trào lưu chung. Lúc này chữ Latinh mới có cơ hội thực sự để phát triển và chiếm vị trí độc tôn tại Việt Nam. Phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục (1907), Hội Truyền bá Quốc ngữ (1938), giới báo chí vào đầu thế kỷ 20 ở Việt Nam đã ra sức truyên truyền và phát động phong trào dùng chữ “Quốc ngữ” (bảng chữ cái Latin ghi tiếng Việt). Dần dần chỉ có những học giả sống ở giai đoạn giao thời, hoặc những nhà nghiên cứu thực sự chuyên sâu mới kỳ công ra học cả Hán học lẫn Tây học, còn lại, tất cả đều chuyển qua tiếng Pháp và chữ cái Latin.

Cho dù chữ Nôm đã không còn được sử dụng nhưng lịch sử thì không thể chối bỏ. Chữ Nôm vốn từng là chữ Quốc Ngữ của dân tộc Việt Nam. Rất nhiều di sản của cha ông, nhiều giá trị về ngôn ngữ, giá trị văn hóa cũng nằm trong các văn bản chữ Nôm, chữ Hán chứ không phải thứ chữ nào khác. Nếu như không khai thác các thông tin trong kho tàng đồ sộ của chữ Nôm (và cả chữ Hán), dân tộc ta trở thành một dân tộc mất gốc. Chữ Quốc ngữ latin mới phổ cập được non 1 thế kỷ mà thôi.

Về lịch sử của chữ Nôm, cũng có nhiều quan điểm, tựu chung lại thì quan điểm chiếm thế chủ đạo là cho rằng có từ thời Hàn Thuyên, tức là khoảng thế kỷ 13, ý kiến khác lại cho rằng sớm hơn (thế kỷ 8)…

Với chữ Nôm cũng có vài cách phân loại, tùy thuộc vào cách nhìn của các học giả. Tuy nhiên, chúng tôi bám theo cách phổ biến và dễ hiểu nhất, chữ Nôm được cấu tạo theo ba hình thức: thứ nhất là “hội ý”, hai là “giả tá”, ba là “hình thanh”. Tức là giống như cấu tạo của chữ Hán. Do chữ Nôm là dùng chữ Hán để ghi âm Việt (Nôm) cho nên nó cũng có nhiều điểm khác biệt.

Hình thức hội ý là hình thức ghép ý của từng thành phần trong chữ lại mà suy ra nghĩa toàn chữ. Ví dụ chữ “Trời”, người ta dùng chữ Hán có âm Hán Việt (HV) là “Thiên” để viết ở trên, dùng chữ Hán có âm HV là “thượng” để viết ở dưới. Người bình thường nhìn vào và suy ra được, “thiên ở trên” là Trời. Đó cũng có thể coi là cách “chiết tự”, tức là “bẻ (tách) chữ ra mà phân tích nghĩa”[2].

Hình thức “giả tá” tức là “mượn chữ Hán” trong đó có thể mượn cả chữ, nghĩa, âm HV; hoặc mượn mỗi chữ, nghĩa còn âm đọc chệch đi hoặc đọc theo âm cổ; hoặc mượn mỗi chữ và âm đọc còn nghĩa thì không… nói chung là có nhiều kiểu mượn, đặc điểm chung của chúng là lấy các chữ Hán sẵn có để diễn tả tiếng nào đó có trong ngôn ngữ Việt. Tôi không đi sâu và cụ thể, chỉ nói một cách tổng quát như vậy để nắm cái ý chính mà thôi.

Ở đây, chỉ lưu ý rằng, trong giả tá có hiện tượng mượn hoàn toàn cả ba yếu tố tiếng Hán là: mặt chữ, âm HV, nghĩa. Như vậy những chữ này chính là những chữ Hán được đọc theo “kiểu Việt Nam”, ví dụ: quân, thê, tử, đạo, thị phi… những chữ này vừa xuất hiện trong các văn bản Nôm, vừa xuất hiện trong các văn bản Hán. Khi nó đứng trong văn bản Nôm thì nó chính là Nôm, khi trong văn bản Hán thì là Hán. Điều này không có gì khó hiểu, bởi vì người Việt chúng ta dùng chung cả từ (âm) Hán Việt lẫn phi Hán trong một câu. Tiếng Việt là cấu thành nhờ tổng hợp cả hai loại đó chứ không chỉ riêng loại nào. Chẳng hạn câu “Tôi đi tới thủ đô Hà Nội” thì các chữ “tôi”, “đi”, “tới” viết bằng chữ Nôm tách biệt khỏi chữ Hán, còn “thủ”, “đô”, “Hà”, “Nội” cũng có thể coi là các chữ Nôm nhưng trong văn bản chữ Hán thì lại chính là chữ Hán.

Hình thức thứ ba là hình thức hình thanh, tức là lấy các chữ Hán có sẵn (hoặc bộ thủ) ghép lại với nhau, trong đó có bộ phận để chỉ nghĩa, bộ phận để ghi âm. Ví dụ chữ ba của tiếng Việt sẽ cấu tạo bằng cách lấy một chữ có âm HV đọc là “ba” để ghép với chữ “tam” (có nghĩa là số 3), thành ra chữ “ba” Nôm sẽ là chữ đọc giống như “ba” (âm Hán Việt) còn mang nghĩa của “tam”. Hình thức này có vẻ hơi phức tạp nhưng lại là cách thức cấu tạo ra chữ Hán và cả chữ Nôm hết sức khoa học. Nếu không nắm rõ, không ít người thường tưởng rằng chữ Hán là hoàn toàn tượng hình, nhưng kỳ thực, đã từ lâu chữ Hán thoát ly khỏi sự “tượng hình” sơ khai để chuyển sang hình thức biểu đạt hệ thống và khái quát hơn, và chữ Nôm phát triển, tiếp thu điều này từ chữ Hán. Đa số các chữ Hán và Nôm sau này có tính trừu tượng ở các mức độ khác nhau, được cấu tạo theo hệ thống chứ không chỉ đơn giản là vẽ hình để mô tả. Do đó ta không thể nào có thành kiến về tính “tượng hình” của nó và cố đi tìm xem biểu hiện “tượng hình” của nó (hoặc vẽ hình) ở chỗ nào cả, cho nên cũng là chữ Hán nhưng chữ Hán cổ (giáp cốt, kim văn…) có cách viết khác hẳn so với các chữ từ thời Lệ thư sau này.

Dân tộc nào cũng phải có tiếng nói. Tiếng nói là tất yếu để giao tiếp không cần tới chữ viết, ngay cả dân tộc Nhật Bản cũng từng có thời gian dài có tiếng nói nhưng không có chữ viết. Vì vậy, thấy rằng, chữ viết chỉ là công cụ để văn bản hóa lời nói mà thôi, vì thế đa số các nhà nghiên cứu nhận định là nó có sau tiếng nói và có nhiệm vụ ghi chép lại lời nói ở dạng “không phát âm”. Vì thế, cùng một hệ chữ, mỗi dân tộc lại dùng nó để ghép, cắt, chép theo ý của họ một cách khác nhau. Ngay cả bảng ký tự latin, các quốc gia khác nhau vận dụng vào đó để sáng tạo ra các chữ khác nhau, có cách đọc khác nhau phù hợp với tiếng nói của dân tộc họ.

Chữ Hán cũng từng được sử dụng một cách như thế ở Việt Nam, Triều Tiên, Nhật Bản đều dùng để ghi chép theo cách của họ, những thứ chữ sinh ra ở từng quốc gia đó, gọi là Nôm (Việt Nam, vì chữ Nôm cũng nghĩa là Nam) hoặc thậm chí mở rộng ra có thể gọi “Nôm Nhật”, “Nôm Triều Tiên” (ý nói là chữ Hán được sáng tạo, cải biến theo tiếng Nhật, tiếng Triều Tiên)…

Tuy có Nôm, nhưng chữ Hán vẫn còn được sử dụng ở thời đại chữ Nho, văn ngôn tại Việt Nam. Ngay tại Trung Hoa, không phải toàn lãnh thổ đều phát âm giống nhau đối với cùng một chữ. Như vậy, tuy nhiều ngôn ngữ, nhiều phát âm của các dân tộc khác nhau nhưng khi thể hiện văn bản thì thống nhất văn tự để tất cả cùng đọc hiểu. Khi nói có thể phát âm khác nhưng khi viết lại dùng chung chữ viết, hiểu được nhau, do đó mới gọi là “bút đàm”. Như vậy, người Triều Tiên, Đại Việt, Trung Hoa, Nhật Bản thông thạo Hán văn, dù không nói chuyện với nhau bằng lời nói thì vẫn có thể dùng bút để “bút đàm” để giao tiếp thông qua chữ. Nhà cách mạng Phan Bội Châu (Việt Nam) đã từng thực hiện “bút đàm” với nhà cách mạng Trung Quốc Lương Khải Siêu (từ 8h sáng-6h tối) về thời sự và con đường cách mạng khi hai người này sang Nhật Bản hoạt động.

Chữ Nôm, do có ảnh hưởng của cấu tạo chữ Hán, lại bao gồm nhiều từ Hán Việt được ghi lại nguyên xi bằng chữ Hán, cho nên nhiều trường hợp có thể nhìn mặt chữ của nó vẫn có thể ít nhiều phân biệt được ý nghĩa mà không phụ thuộc vào sự đồng âm. Đến khi dùng chữ Latin để ghi âm, ưu điểm này mất hẳn. Ký tự Latinh là hoàn toàn ký âm đơn thuần chứ không “vừa ký âm vừa biểu nghĩa” như chữ Nôm nữa. Nhiều từ đồng âm bị dùng nhầm lẫn, lẫn lộn cũng là do “chỉ ký âm đơn thuần” mà ra.

Tuy nhiên, dù chữ Nôm phát triển từ chữ Hán nhưng nó đã bị chấm dứt khi chưa kịp phát triển một cách khoa học, có hệ thống và được chuẩn hóa nên hiện nay nó đã thực sự là “tử ngữ”. Ngoài ra, ngay chữ Nôm đã khó hơn chữ Hán, bởi vì phải biết chữ Hán (chính là đọc được) trước rồi mới đọc được chữ Nôm. Đồng thời còn một hiện tượng là nhiều âm trong tiếng Việt có tính đặc thù về phát âm, không thể nào dùng chữ Hán để ghi chính xác được (vì số lượng âm tiếng Việt nhiều hơn âm của tiếng Hán) cho nên tuy dùng chữ Hán ghi âm Nôm mà đôi khi chỉ ghi được đại khái “na ná”, người chép sách phải dùng ký hiệu hoặc thêm nét vào để báo hiệu “đọc gần đúng” (cận âm) để người đọc lưu ý và “đoán” được đúng âm của tiếng Việt.

Điều đáng tiếc là chữ Nôm không có đủ thời gian và điều kiện để tự hoàn thiện mình. Nó đã phải chấm dứt sức mệnh lịch sử trước khi được nghiên cứu và chuẩn hóa một cách bài bản, khoa học và tiện lợi hơn. Nhưng do sự tồn tại quan trọng trong thời gian dài trong lịch sử, sự ảnh hưởng của chữ Hán – Nôm với tiếng Việt và văn hóa là rất sâu đậm.

Để phát triển được tiếng Việt một cách lành mạnh vẫn cần phải quay trở lại tìm tòi, nghiên cứu và sử dụng những tinh túy trong kho tàng Hán – Nôm của dân tộc. Giá trị của chữ Hán – Nôm không chỉ đơn thuần là văn tự của tiền nhân mà còn chứa đựng cả văn hóa dân tộc, giúp các nhà nghiên cứu truy nguyên được nhiều từ ngữ cổ, khôi phục và bổ sung vào kho từ vựng của người Việt ngày nay, làm phong phú thêm vốn từ vựng của chúng ta cũng như, tìm tòi, khai thác bảo tồn được nhiều giá trị văn hóa dân tộc, thậm chí cả những giá trị văn hóa đã từng bị mai một, lãng quên.


[1] Cụ thể hơn, có thể phân biệt Chữ Nho là chữ Hán được các nhà Nho ở Việt Nam sử dụng

[2] Nhiều người cứ bám vào đặc điểm này để công kích chữ Nôm. Có một nhà văn nữ cứ cố tình dựa vào chữ Trời (Nôm) để chê cười tiền nhân của chúng ta là rắc rối, tại sao lại cứ phải ghép thế cho mệt… Tất nhiên, nhà văn này có lẽ chưa biết rằng số lượng những chữ “rắc rối” như vậy (theo Đào Duy Anh liệt kê) chỉ có 6 chữ mà thôi .

About Tiểu Phi 101 Articles
Thật may mắn được kết nối với tri thức nhân loại để học hỏi mỗi ngày!

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*