
Đọc Đông Tây Kim Cổ rồi, lúc nào đó sẽ đọc Cổ Long.
Đọc Cổ Long ắt sẽ thấy cái triết lý đôi khi rất kỳ lạ của ông.
Cuộc sống tưởng đơn giản cứ thế mà sống, nhưng không, nó cần phải có triết lý nữa. Đôi khi người ta thấy cái triết lý có vẻ “đơn giản” quá nên nghi ngờ nó, và do đó lại hiểu sai về nó. Thành thử ra, cái gì càng có vẻ đơn giản thì kỳ thực lại càng thâm sâu, phức tạp.Nhưng tôi nghĩ rằng Cổ Long hầu như là đúng. Dĩ nhiên nếu như bạn đọc chúng ta có khả năng và chịu hiểu. Khi đó, đọc Cổ Long sẽ ấn tượng mãi.
Có nhiều chuyện đời sống tựa như những bài học theo mãi trên đường đời.
Trong tác phẩm “Thất sát thủ”, Cổ Long từng xây dựng một nhân vật tên là Liễu Trường Nhai, là một bổ khoái nổi tiếng, chuyên tiếp xúc với những cảnh đời oái oăm mà điều tra vụ việc. Theo bước đường của anh chàng này mới thấy cuộc sống muôn hình vạn trạng, toàn chuyện thị phi nguy hiểm.Cổ Long mượn lời giải thích cái tên “Trường Nhai” tự đặt ra của người này thông qua tình tiết truyện. Đơn giản Trường Nhai nghĩa là “đường dài”. Nhân vật muốn mình có thể làm một con đường dài thì thật lý thú.
Trên con đường dài đó có đủ hạng người, từ bà già cho đến trẻ con, từ kẻ hát rong cho đến người bán kẹo, từ những việc tử tế nghiêm túc cho đến những chuyện tầm phào như chồng đánh vợ, trêu gái, dụ dỗ ngoại tình…
Gã Trường Nhai đó ước ao được thấy hết những cái “thú vị” của hồng trần ô trọc, chẳng lẽ thấy hoài mà không chán hay sao?

Leave a Reply