
Trích bản thảo “Tuế nguyệt” – Tiểu Phi———
Vấn đề tinh thần, tình cảm….
Tình cảm anh chị em trong gia đình cũng là thứ tình cảm đặc biệt, tuy có điểm tương đồng nhất định nhưng vẫn khác hẳn với tình mẫu tử, tình vợ chồng… Khi con cái còn nhỏ, ta thấy được sự thân thiết, gắn bó giữa chúng. Nhưng càng lớn lên, tình cảm đó càng thu hẹp lại, không phải vì nội tâm của chúng bị suy thoái mà là vì quy luật tất yếu của sự phát triển nhân loại. Những con người trưởng thành sẽ có xu hướng tách ra khỏi tổ ấm cũ và xây dựng các gia đình mới của riêng chúng. Ở nơi đó chúng mới chính là các sáng lập viên, các nhà khởi nghiệp và phải chịu trách nhiệm cho sự tồn tại, phát triển của những gia đình đó – nhờ vậy mà nhân loại mới tiến hóa.
Những năm tháng tuổi thơ chính là căn cứ vững chãi trong cuộc đời.
Mỗi con người đều phải từng là đứa trẻ và sẽ là người già và cuối cùng là kết thúc vào trong cát bụi. Trước khi sinh ra và sau khi mất đi là câu chuyện của ai đó về ta và dường như ta không có cách gì ứng đối lại, chỉ duy có thời gian sống trên đời mấy chục năm ngắn ngủi là hoàn toàn do ta làm chủ. Đó là vận mệnh trong tay mình.
Mỗi người đều phải có sự va vấp, thậm chí chịu phải những vùi dập khi bước đi trên đường đời. Vết thương nào rồi cũng lành, nhưng đâu có được yên bình mãi, bằng cách nào đó rồi người ta sẽ phải chịu những vết thương mới, cho nên cả chặng đường đời dài bao nhiêu cũng là bấy nhiêu lần bị xây xát không thể nào tránh được. Những khi đó, ta sẽ cảm nhận được rõ hơn tầm quan trọng của sự giáo dục và việc rèn luyện nội tâm của chính mình sẽ luôn là một quá trình liền mạch, không ngừng trong suốt cuộc đời. Những năm tháng đầu đời và quá khứ đã qua có ấn tượng vô cùng sâu sắc đối với mỗi người. Chỉ cần nhớ tới những ngày tháng đẹp đẽ êm đềm bên anh chị em và cha mẹ, con người sẽ biết tiến lui, sẽ có dũng khí, sẽ sống chân thành và nhân hậu hơn. Đương nhiên họ sẽ biết yên lành chấp nhận những hạn định của tự nhiên và số mệnh mà tìm lối ra hạnh phúc. Từ đó có thể thấy rằng có được một tuổi thơ đẹp đẽ là thứ quyền lợi cao nhất của mỗi đứa trẻ, nó tác động rất nhiều vào quá trình hình thành nhân cách, lối sống và phương hướng trong cuộc đời sau này.
Nhìn thấy những đứa bé, con cái của mình quấn quýt, yêu thương nhau trong thời thơ ấu – đó chính là điều cha mẹ hằng mong mỏi. Chẳng hạn, những đứa bé gái thể hiện tình yêu thương của người chị khi che chở, bao bọc và nhường nhịn em mình khiến cho cha mẹ trong giây phút nào đó ước muốn và thậm chí còn tưởng rằng cuộc sống gia đình cứ mãi dừng lại tại đó một cách đẹp đẽ và êm đềm như thế. Nhưng thời gian trôi qua, dòng đời chuyển dịch, đứa bé gái đó mang theo tất cả tình yêu thương cha mẹ, anh chị em của nó để làm hành trang bước ra đời, tự thích ứng với những yêu cầu của xã hội và thời đại, tiến theo những dấu chân mà loài người đã ước định. Qua thời gian, dường như mọi thứ, hoặc ít nhất sẽ có một vài điều gì đó cũng phải thay đổi; tình cảm xưa cũ đó dù không bị mất đi nhưng chắc chắn nó phải bị chia sẻ khi bé gái ngày xưa đã trở thành người vợ, người mẹ, người bà… với những đòi hỏi tình yêu thương và trách nhiệm mới được phát sinh thêm.
Chúng ta hãy đừng buồn lòng về sự “thay đổi” như vậy. Đó mới thực sự là cuộc sống và hiện thực. Chúng ta chỉ cần cố gắng trong cuộc sống của mình và biết vui vẻ, ở chỗ là trong từng bối cảnh, từng giai đoạn, từng thời khắc trong cuộc đời, chúng ta đã làm đúng bổn phận, thể hiện đúng cách những tình cảm vốn có của nó. Mọi thứ rồi có thể sẽ đều trở thành kỉ niệm, nhưng dấu vết của nó không hề mất đi. Dù mọi tình cảm, mọi yêu thương có lùi dần về phía quá khứ xa xôi và thu hẹp thành một sợi chỉ thì nó vẫn đầy tính thiêng liêng kết nối, vẫn còn nguyên sức sống để kết dính từng thành viên của gia đình trước và gia đình sau trong mối ràng buộc mặc định có tính thủ tục – mà người ta gọi là quan hệ huyết thống. Sợi dây tình cảm đó tuy được cô đọng, và “gút” lại thành nhỏ gọn nhưng chắc chắn nó sẽ rất bền vững và dẻo dai, sẵn sàng có thể trở lại to lớn khi cần thiết..
………
Leave a Reply