

Tụng và niệm
Tụng 誦 tức là đọc rành rọt, đọc sách thành tiếng nghe rõ. Còn niệm 唸 thì khác một chút, có nghĩa là nghĩ nhớ, ngâm đọc (không cần rành mạch nghe rõ).
Tụng kinh 誦經 (đọc kinh thành tiếng rõ) còn niệm kinh 唸經 là chỉ cần nhẩm hoặc đọc thầm để ghi nhớ là được. Nếu tóm lược để hiểu nôm na thì tụng chủ về phát âm (ca tụng, tán tụng, xưng tụng.. ) còn niệm chủ về ghi nhớ (tâm niệm, hoài niệm, kỷ niệm… ).
Cùng là… “ngộ”
“Giác” 覺 trong Hán văn có bộ “kiến” (kiến nghĩa là nhìn thấy, chứng kiến) vì thế nó mang nghĩa là hiểu biết, nhận ra những điều chưa biết. Ngoài ra chữ giác còn có nghĩa là “cái do cảm xúc mang lại”, cho nên gọi là cảm giác, xúc giác, giác quan, trực giác, tri giác… hoặc “mách báo” (ví dụ tố giác, cáo giác, phát giác). Trong Phật giáo, người ta tôn Phật là “Giác Vương”.
“Ngộ” 悟 có nghĩa là biết, trong lòng hiểu thấu. Nếu đã “ngộ” rồi thì tức là đã nắm được cái bản chất của toàn bộ sự việc, không còn vướng mắc gì nữa. Đó là bàn tới khía cạnh ngữ nghĩa. Ở khía cạnh khái niệm, “Ngộ” được cắt nghĩa trên phương diện Phật giáo, triết học. “Giác Ngộ” là một trạng thái “đặc biệt” theo quan niệm của nhà Phật, đó là trạng thái thức tỉnh khi mà con người nhận thức được tính “Không”. Đó là một kinh nghiệm chỉ có thể tự trải nghiệm mà không thể giãi bày cho thấu đáo vì nó đã nằm ngoài tầm nhận thức đơn thuần của tri giác cảm nhận và suy nghĩ trực quan.
Vị “Tề Thiên Đại Thánh” trong “Tây Du Ký” sau này đi thỉnh kinh được đặt tên theo ý “giác ngộ tính Không” nên mới được gọi là “Ngộ Không”. “Lão Trư” (con lợn) thì gọi là “Ngộ Năng”, có nghĩa tự nhận ra khả năng của mình (đúng là lão Trư thường hay ảo tưởng về tài năng của bản thân), còn “Sa Tăng” được gọi là “Ngộ Tịnh”, tức là giác ngộ được cái tĩnh của đạo Phật.
Chữ Ngộ gắn với thày trò Đường Tăng đồng âm với một chữ ngộ khác có nghĩa gần trái ngược. Đó là chữ “ngộ” 誤 mà chữ Nho viết theo bộ ngôn. Chữ Ngộ này chẳng những không “giác ngộ” mà còn có nghĩa là sai lầm, bị mê hoặc, bị nhầm lẫn… ví dụ như “ngộ sát” (lỡ tay gây chết người), “ngộ nhận” (nhận lầm)…
“Ngộ” cũng có nhiều kiểu “ngộ” mà thậm chí còn trái ngược hẳn nhau.
Ta chọn “Ngộ” nào?
Leave a Reply