Tìm hiểu nguyên lý Nhân-Quả của Phật Giáo (Tiểu Phi)

Hoa trắng nền xanh; không gian se lạnh của mùa Xuân.

Theo Phật Giáo, chúng sinh nằm trong cõi luân hồi, quá trình sinh-diệt nối tiếp nhau theo một “bánh xe” quay tròn. Trên bánh xe luân hồi có sáu khu vực, gọi là sáu cõi hay lục đạo. Mỗi cõi sẽ là một kiếp mà chúng sinh sẽ tái sinh sau khi rời bỏ kiếp hiện tại (chết). Sáu cõi luân hồi theo thứ tự từ cao đến thấp là: Cõi trời (tiếng Phạn: deva), Cõi thần (tiếng Phạn: asura), Cõi người (tiếng Phạn: manussa), Cõi súc sinh (tiếng Phạn: tiracchānayoni), Cõi ngạ quỷ (tiếng Phạn: petta), Cõi địa ngục (tiếng Phạn: niraya).
Dù là cõi trời hay cõi địa ngục thì vẫn nằm trong vòng luân hồi, cho nên tất cả vẫn đều “vô thường”, tức là vẫn còn khổ đau, chuyển biến sinh diệt. Chỉ khi nào thoát khỏi luân hồi mới không còn bị chi phối, không còn khổ đau, mê muội nữa.
Chúng sinh có thể tái sinh vào cõi nào và sẽ ra sao sau khi chết là do công đức tu tập của chính cá thể đó. Nói cách khác, cuộc sống của mình không chỉ trong hiện tại mà cả tương lai xa, cả sau khi chết đi, đều do chính bản thân mình quyết định. Tốt hay xấu là do mình chọn. Thậm chí chúng sinh mà mang Nhân xấu quá, có thành tích “bất hảo” quá khi còn sống thì có thể không đủ điều kiện để tái sinh, trở thành vất vưởng theo vòng luân hồi mà không vào được cõi nào trong sáu cõi.
Khi trong vòng luân hồi, chúng sinh chịu chi phối của luật Nhân-Quả.
Quả cũng là Nghiệp chính là kết quả của cái gọi là Nhân hay Duyên trong kiếp trước, do chính mình tạo ra. Như vậy có Nhân là phải có Quả không chạy đâu cho thoát. Chỉ có điều Quả nhận được ở thời điểm nào và đắng hay ngọt ra sao mà thôi.
Tạo nghiệp (tốt, xấu) cũng có ba loại:
+ Thân nghiệp: đánh đập người (hoặc giúp đỡ người), bảo vệ hoặc phá hủy môi trường, có những hành vi tốt hoặc gây hại…
+ Khẩu nghiệp: dùng “cái miệng vàng” để khuyên dạy mọi người làm điều tốt hoặc xúi người ta vào đường tà đạo; mắng chửi, khắc nghiệt, cay nghiệt với người đời, xuyên tạc nói xấu người khác…
+ Ý nghiệp: suy nghĩ làm điều thiện, toan tín làm điều ác, âm mưu (ủ mưu)…
Quả báo cũng hiểu là “báo ứng”. Căn cứ mối quan hệ Nhân – Quả và thời gian xảy ra, có thể quy về ba loại: 
+ Báo ứng ngay trong kiếp tạo nhân, gọi đương kiếp nhân quả, tức là Quả xảy ra rất nhanh, bị báo ứng ngay khi còn sống.
+ Báo ứng theo cái nhân kiếp trước, gọi tiền kiếp nhân quả, nghĩa là kiếp này phải gánh chịu là do kiếp trước đã gây ra Nhân nào đó nhưng chưa kịp báo ứng ngay ở kiếp đó hoặc báo ứng chưa “đủ độ” nên giờ tiếp tục báo ứng.
+ Báo ứng ở kiếp sau do cái nhân hiện tại, gọi hậu kiếp nhân quả, tức là những gì ta đang gây Nhân bây giờ chưa bị báo ứng khi ta còn sống mà sẽ đợi báo ứng ở đời sau.
Loại báo ứng đầu tiên là trực quan và có tính răn đe nhất vì đối tượng bị trừng phạt nhanh nhưng trường hợp như vậy không phải lúc nào cũng xảy ra. Hai loại báo ứng sau đều cần thời gian, trong đó loại tiền kiếp nhân quả làm cho người ta phải khổ sở, tàn phế, đau đớn, bị ăn quả báo, phải “trả nợ” trong hiện tại mà có thể nhiều người vẫn chưa hiểu rõ nguyên nhân tại sao nên tiếp tục phạm sai lầm mà không chịu sửa. Loại hậu kiếp nhân quả thì nguy hiểm hơn, nó “nuôi” cho đối tượng chủ quan, nhởn nhơ, “dương dương tự đắc” làm những điều vô minh, “tham, sân, si” đến “béo tròn” rồi đợi cho họ hết kiếp thì mới bắt đầu “xử lý”. Trường hợp này khổ nhất vì kiếp sau chưa chắc đã được tái sinh (đầu thai), có khi mãi không còn cơ hội đầu thai, hoặc có chật vật đầu thai được thì cũng chưa chắc đã còn vào được cõi Người mà có thể bị vào cõi Ngạ Quỷ hoặc cõi Địa Ngục để tiếp tục bị luật Nhân-Quả cho “ăn đòn” thêm nhiều kiếp nữa. 
Theo quan điểm Nhân Quả, mọi thứ diễn ra đều không “ngẫu nhiên” mà có quy luật, cho dù quy luật đó có thể rất phức tạp nhưng vẫn theo nguyên tắc chung chất, đó là có Quả tức là đã từng có Nhân. Những bất hạnh, khiếm khuyết, đau khổ… của chúng ta, nếu đã chấp nhận soi bằng góc nhìn Phật Giáo thì cũng không nên vội vàng “xù lông nhím” lên phản ứng lại nếu ai đó nhắc nhở chúng ta cần xem lại bản thân mình (hoặc là đang gánh chịu những gì còn “nợ” từ kiếp trước). 
Có mấy ai chịu xem lại chính mình, đối chiếu những đau khổ mình đã, đang gánh chịu và những nguy hiểm mình có thể gặp trong tương lai… trước khi lao theo tiếng gọi “tham, sân, si” như thiêu thân để phán xét, đấu đá, lừa gạt, bôi nhọ, hiếp đáp, cướp đoạt… đối với những người khác; buông thả với chính mình mà lại khắc nghiệt với mọi người? Cho nên, trong Phật Giáo mới luôn nhắc đến hai chữ Vô Minh, là một khái niệm rất quan trọng, là gốc của mọi sự bất thiện trong thế gian và cũng là một đặc tính của Khổ. 
Ở góc độ nào đó, luật Nhân Quả cũng có nhiều ý nghĩa tích cực và tính xã hội rõ rệt. Nó buộc người ta phải thận trọng trong hành vi, lời nói, kiềm chế dã tâm tránh những hệ lụy theo kiểu “phản phục” tự hại lấy mình. Tất nhiên, điều này chỉ có tác dụng đối với ai ít nhiều có lòng tin; còn đối với những người vô sư vô sách thì… miễn bàn. Thôi vậy.

About Tiểu Phi 95 Articles
Thật may mắn được kết nối với tri thức nhân loại để học hỏi mỗi ngày!

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*