“Chí” và “trí”, “chí mạng” hay “trí mạng”

Về mặt chữ Hán, người mới học dễ nhầm mặt các chữ 致(1), 倒(2), 到(3) vì cả ba đều có một thành phần giống nhau là chữ chí 至(4). Tuy nhiên, chữ (1) có âm đọc Hán Việt là “trí” trong trí sĩ, trí mạng, chữ (2) đọc là “đảo” trong đả đảo, chữ (3) là “đáo” trong chu đáo, thấu đáo. Còn chữ (4) đọc là “chí” trong thậm chí, chí thành.

Chữ “trí” 致(1) chính là thành tố trong từ ghép “trí mạng”. Trong các từ điển chỉ ghi nhận hình thức “trí mạng” chứ không có “chí mạng”. Bởi lẽ “trí mạng” là âm Hán Việt của 致命.

Với chữ trí này, “Hán-Việt-tự-điển” của Thiều Chửu nêu ra từ ghép “trí lực” 致力 với nghĩa “hết sức” (khác với trí lực 智力 nghĩa là khả năng, sự hiểu biết, trí óc…)

Paulus Của giảng “Trí mạng: liều mạng sống, chịu chết” (Đại Nam Quấc Âm tự vị, 1895, tr1095) còn trong “Việt Nam tự điển” (HKT Tiến Đức, 1931) giảng “Trí mạng. Liều mạng”, “Hán-Việt-từ-điển” của Đào Duy Anh, giảng trí mạng là “đem cả tính mệnh của mình vào việc đó”. “Việt Hán tân từ điển” (Phó Căn Thẩm, 1955, tr376) cũng ghi nhận từ trí mệnh 致命 này.

Trong khi đó, từ “chí mệnh (mạng)” với bất kỳ cách viết nào cũng không được ghi nhận.

Thanh Nghị (TĐVN, 1958, tr1380) cũng giảng “trí mệnh – mạng (đt): hi sinh, liều mạng”. Dường như nghĩa của “trí mạng” tương đối rõ ràng, thống nhất và không ăn nhập gì với nghĩa hiện nay (vết thương trí mạng – vết thương chủ yếu, là nguyên nhân chính gây ra tử vong) cả.

 Sau này, trong các từ điển mới, nghĩa của từ “trí mạng” này được giảng không giống nhau. Có từ điển vẫn giảng như cũ: “trí mạng (trt), thí mạng, liều mạng không kể chết” (TĐTV, Hoàng Long – Quang Hùng, 2008, tr 1007) nhưng cũng có từ điển giảng khác: “trí mạng (t), có thể gặp nguy hiểm đến tính mạng” (TĐTV, Hoàng Phê (chủ biên), 2003, tr1034).

Như vậy, cho đến từ điển Hoàng Long – Quang Hùng nghĩa của từ “trí mạng” vẫn được giảng giống như Đào Duy Anh, HKT Tiến Đức, Thanh Nghị và Paulus Của. Còn từ điển Hoàng Phê lại bắt đầu giảng khác, không giảng là “liều mạng, không kể chết” mà thay bằng “có thể gặp nguy hiểm đến tính mạng” (hơn nữa, Hoàng Phê ghi chú “chí mạng x trí mạng”, tức là ghi nhận hình thức viết “chí mạng”).

“Từ điển Trung – Việt” (Viện KHXHVN, 2006, tr1261), giảng 致命 trí mạng, có thể làm chết người; vết thương chết người/ nhược điểm chí mạng; nhược điểm chết người”. Còn “Từ điển Hán-Việt” (Hầu Hàn Giang, 1997, tr863) giảng không cụ thể “chí mạng/chí tử, giáng một đòn chí tử vào kẻ thù”. Như vậy với cách lấy ví dụ thì “đòn chí tử” mà (chúng ta) giáng vào kẻ thù có thể hiểu là một đòn có thể gây tử vong cho kẻ thù.

 Mở rộng hơn, khảo sát “Hán – Nga đại từ điển” (Большой Китайско-Русский словарь, электронная версия) để đối chiếu 致命 thì xuất hiện 2 nhóm nghĩa. Nhóm thứ nhất là: “отдать жизнь; рисковать жизнью”, chính là tương đương với “mạo hiểm tính mạng, liều mạng”, nhóm nghĩa thứ 2 là: “смертельный; смертоносный; сокрушительный”, tức là nguy cấp, gây chết người, làm tan nát. Còn bản in của “Hán Nga đại từ điển” (“汉俄词典” tức “Китайско-Русский словарь”, 商务印书馆, 北京, 2004, tr1109) giảng: “Смертельный, смертельность, смертоносный (смертоносность), летальный, насмерть” (nguy ngập, ngắc ngoải, cho đến chết, chết điếng), cho nên ngay dòng kế đó người ta đã giảng cụm từ “致命伤” (âm HV: “trí mạng thương”) là “смертельная рана” (vết thương nguy hiểm, có thể dẫn tới tử vong)[1].

 Để thêm thuyết phục, chúng tôi tìm trong “学生汉英词典” (Chinese-English Dictionary, 外文出版社, 非常 2005, tr956) tức “Học sinh Hán Anh từ điển” nghĩa của từ ghép 致命 thì tại đó giảng như sau: 致命: causing death; fatal; mortal; deadly” đều quy về hàm ý dẫn tới chết, nguy ngập, nguy hiểm tính mạng, chết (và không có nghĩa liều mạng, liều lĩnh… nữa).

 Đối với  “Chinese-English Dictionary” (bản điện tử, Paul Andrew Denisowski) cho thấy các nghĩa khác nhau “1.fatal, 2.mortal, 3.deadly, 4.to sacrifice one’s life” tại đây đã tồn tại cả 2 nhóm nghĩa:  nguy hiểm, chết chóc và mạo hiểm tính mạng, liều mạng (xả thân, hiến thân).

“Hán Ngữ đại từ điển” thì giảng 1. 傳達言辭、使命 (truyền đạt ngôn từ, sứ mệnh), 2. 猶捐軀 (quên mình), 3. 使喪命;使毀滅 (mất mạng, hủy diệt).  “Trí mạng” 致命 trong “Từ điển Nhật – Việt” (Japanese-Vietnamese Dictionary, bản điện tử) cũng có đủ nghĩa “gây tai hoạ, tai hại, làm nguy hiểm đến tính mạng, làm chết, đưa đến chỗ chết, đem lại cái chết”…

Như vậy cho thấy là “trí mạng” với tư cách một từ Hán – Việt hay một từ Hán, một từ Nhật thì đều quy về 1 trong 2 nghĩa (hoặc cả 2): xả thân, liều lĩnh, không quản hi sinh và nguy hiểm tính mạng, có thể dẫn tới tử vong.

Như đã biết, một chữ Hán sẽ có một hoặc vài phát âm Hán – Việt, thường theo phiên thiết của nó. Nhưng không phải mọi chữ Hán đều là từ Hán Việt, lý do là người Việt chỉ sử dụng một phần trong tổng số chữ Hán, thậm chí nhiều từ Hán Việt trong tiếng Việt cũng không sử dụng toàn bộ nghĩa gốc Hán của nó mà có sự biến đổi về nghĩa. Với trường hợp từ “trí mạng”, đây là một từ được ghi nhận tương đối phổ thông trong tiếng Việt cho nên nó được xem là một từ Hán Việt. Qua khảo sát, nhiều nhà từ điển từ cuối TK19 đến nay đều gán cho nó nghĩa liều mạng, không sợ hi sinh, liều lĩnh (a), tuy nhiên cũng xuất hiện thêm nghĩa “có thể gặp nguy hiểm đến tính mạng” (b).

 Nghĩa này (b) tuy tần suất xuất hiện ít hơn trong các từ điển Việt (đã thống kê) và muộn hơn (a) nhưng lại là nghĩa hiện nay đang được sử dụng thông dụng. Thường thấy nhất trong hình sự, một vết thương “trí mạng” được hiểu là vết thương chính, vết thương cơ bản, vết thương nghiêm trọng, vết thương chủ yếu dẫn tới cái chết của đương sự, từ vết thương này có thể suy luận được nguyên nhân cái chết của nạn nhân.

Chữ trí cũng có một nghĩa là “gây nên” và “đến mức” (TĐTV, Viện KHXHVN, 2006) hay “dẫn đến”, “gây nên”, “mắc” (vào, phải) (TĐ Hán-Việt Hầu Hàn Giang, 1997) cho nên “trí mạng” lẽ dĩ nhiên sẽ có thể mang nghĩa “đến mức chết, đến mức tử vong, đến mức nguy hiểm tính mạng” một cách hợp lý (trí tử, với chữ tử là “chết” cũng nghĩa như thế).

Có điều nghĩa này rõ ràng là nghĩa mới xuất hiện trong tiếng Việt, tuy nhiên sự xuất hiện của nó là hoàn toàn hợp lý. Ngay trong tiếng Hán (khi chuyển ngữ sang tiếng khác), trí mạng cũng được dùng nhiều với hàm ý “đến chết, đến mức tử vong, nguy hiểm tính mạng” hơn là nghĩa “liều lĩnh, không sợ chết, hiến thân”.

 Như vậy có thể nhận định rằng “trí mạng” là cách viết đúng hơn, “chí mạng” là cách viết xuất hiện sau và chưa phổ biến trong các từ điển tiếng Việt trước, cho dù hiện nay trong dân gian và trên mạng người viết “chí mạng” cũng không hiếm, thậm chí vài từ điển online, từ điển sử dụng mã nguồn mở – điện tử cũng viết là “chí mạng”.  Trí mạng có thể có 2 nghĩa (như đã nêu), nghĩa (a) đã xuất hiện thống nhất trong tiếng Việt từ sớm nhưng hiện nay nghĩa (b) đang là nghĩa phổ thông hơn.

Chữ trí này khác hẳn với chữ Trí (智: trí tuệ, sáng suốt, kiến thức) và chữ Chí (志: chí hướng, chí nguyện, ghi nhớ) mà người ta vẫn thường viết thư pháp đại tự cho các bạn.

Từ “chí” trong “từ đầu chí cuối”, “từ sáng chí tối”… sẽ đóng vai trò của hư từ, hoặc giới từ, là từ dùng để nêu sự liên hệ ý nghĩa giữa các từ hay thành phần có nhiệm vụ bổ túc cho nhau (Từ điển hư từ Hán Ngữ, Trần Văn Chánh, 2002, tr646)

Tại trang 500 của từ điển này đã nói về vai trò ngữ pháp của chữ “chí”. Đích thị đây là một (hư) từ dùng để chỉ: “1 (gt): đến, tới, chí. 2 (lt): đến như (biểu thị chuyển sang ý khác), 3 (văn) (lt): đến, đến nỗi, 4 (pht) rất, rất mực, hết sức, vô cùng, nhất, đến tột bực, đến cùng cực, quá, chí”.

Cho nên có từ “chí kim” (pht): đến nay, tới nay, cho tới nay (vd: từ cổ chí kim) được dùng trong tiếng Việt, các từ ghép khác không dùng trong tiếng Việt nên không dẫn ra.

Người ta vẫn có thể viết “chí mệnh” 至命, chẳng hạn trong câu 可知尽性命之学 (khả tri tận tính chí mệnh chi học) tức là có thể hiểu được cái học từ (phạm trù, khái niệm) Tính đến (phạm trù, khái niệm) Mệnh.

Tuy rằng “chí” và “mệnh” đứng cạnh nhau đó nhưng đó không phải là một từ, chẳng khác gì trong tiếng Việt có câu: Trời tối rồi chúng ta về cho kịp tới nhà. Lúc này “tới” và “nhà” đứng cạnh nhau đấy nhưng “tới nhà” không phải là một từ.

“Tới” đóng vai trò của giới từ cũng như “chí” 至 vậy (nó chỉ có chức năng chỉ sự liên hệ giữa Tính và Mệnh mà thôi). Giới từ có chức năng ngữ pháp, và trước kia trong tiếng Việt người ta gom vào nhóm “hư từ” (phân biệt với “thực từ”) và hiện nay cũng chưa phải tất cả đều bỏ sự phân loại này.

“Từ” có nhiều đặc trưng cơ bản mà khoa học ngôn ngữ đã chỉ ra và không bàn thêm ở đây. “Chí mệnh” cùng lắm chỉ có thể xếp vào dạng “cụm từ” và khi đó có thể dùng với nhiều tình huống tương đương từ. Tuy nhiên ngay cả “cụm từ” thì cũng có “cụm từ cố định” và “cụm từ tự do”. Ngoài việc các cụm từ được tạo lập từ các “từ” chứ không phải các “hình vị” (như từ ghép) thì “cụm từ cố định” có “tính thành ngữ” rất cao. Tức là nếu như cụm từ F=từ(1)+từ(2)+từ(3)+…+từ(n) mà không thể nào dùng ý nghĩa của từ(1), từ(2)… từ(n) cộng lại để giải thích nghĩa cho F được, thì đó là “tính thành ngữ”. Ví dụ: cụm từ “lời nói gió bay”, nếu như bạn tách lời+nói+gió+bay (4 từ đơn, biệt lập có nghĩa) và cố gắng hiểu “lời nói gió bay” là gì thì không thể được (bạn phải là người nắm vững tiếng Việt mới hiểu nghĩa đúng của nó là “nói xong quên”, “thất hứa”…), hoặc “hổ chết để da” cũng không thể hiểu nghĩa một cách đơn giản thông qua các từ đơn là hổ+chết+để+da, hoặc “mèo mả gà đồng”… cũng đều thế cả… Bởi vì chúng mang nghĩa bóng và thậm chí có hoàn cảnh cụ thể để phát sinh nghĩa nên không thể ghép từ cộng nghĩa mà hiểu được.

Như vậy, nếu có thể thì “chí mệnh” chỉ được coi là “cụm từ tự do”. Cụm từ tự do vốn không có “tính thành ngữ”, đó đơn thuần chỉ là ghép 2 từ lại để dùng trong một vài tình huống đơn lẻ mà thôi.

“Chí tử” được dùng ổn định, có nghĩa cố định nên nó được xác định là một từ trong tiếng Việt và được từ điển ghi nhận. Dễ thấy, “chí tử (trt): đến chết” (TDTV, Hoàng Long – Quang Hùng, 2007, tr 175) hoặc “chí tử (t) đòn đánh ở mức có thể nguy hiểm tính mạng; trí mạng; (kng) ở mức như sức không còn có thể chịu đựng được nữa” (TDTV, Hoàng Phê, 2003, tr154).

“Chí mạng” thì không được ghi nhận phổ biến trong các tài liệu chính thức mà chúng tôi đã khảo sát, trừ Hoàng Phê có ghi từ này, không giải nghĩa trực tiếp mà “chỉ dẫn” tới mục “trí mạng” (tức là nói rằng nó theo nghĩa của trí mạng). Điều đó càng cho phép chúng tôi dự đoán rằng từ “chí mạng” là từ mới hình thành trong dân gian theo dạng “từ nguyên dân gian”, qua cách giao tiếp hàng ngày, và vì thế nó không chính thức bằng một từ đã ổn định, có nghĩa chuẩn là “trí mạng”. Từ này có cả hai thành tố Hán nên nó sẽ phải được xem xét như một từ Hán Việt. Chúng tôi chưa thấy hình bóng nguồn gốc Hán Việt của nó mà lại trùng với nghĩa của một từ đã rất rõ là “trí mạng” nên chúng tôi nghĩ rằng người ta dùng nó để tiếm nghĩa, lấy nghĩa của “trí mạng” là do một sự nhầm lẫn giữa “chí” với “trí” trong dân gian vậy.


[1] 致命伤” (“trí mạng thương”) cũng được hiểu là “vết thương chí mạng” mà “смертельная рана” cũng được từ điển “Nga Việt” dịch là “vết thương chí mạng”.

About Tiểu Phi 95 Articles
Thật may mắn được kết nối với tri thức nhân loại để học hỏi mỗi ngày!

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*