Cập kê

Hoa cỏ cộng sinh
Hoa cỏ (tranh thủy mặc giấy tuyến chỉ, Tiểu Phi)

“Cập kê” – đối với nhiều người thì hai tiếng này dường như chẳng có chút “bóng bảy”, lãng mạn gì cả, khác hẳn với những từ như “hoa niên”, “thanh xuân”, “tuổi ngọc”, “tuổi trăng tròn”… Thế nhưng thực ra, (tuổi) “cập kê” lại là một từ cổ kính, rất xứng đáng được gìn giữ để sử dụng trong kho từ vựng tiếng Việt. Từ này đã được giảng rất rõ trong nhiều cuốn từ điển và các sách chú, bình “truyện Kiều”. Theo “Kinh Lễ”, con gái đến tuổi 15 thì được cài trâm (kê[1]) để thể hiện mình là thiếu nữ trưởng thành có thể đem gả chồng được. Giảng nghĩa đen bám sát theo từ tố thì có thể hiểu đại khái “cập kê” là tới (cập) [giai đoạn cài] trâm (kê).

Việc cài trâm đối với phụ nữ ngày xưa là một việc hết sức hệ trọng trong sinh hoạt cá nhân. Phải luôn để ý tới đầu tóc vì đó là một phần biểu hiện của sự đoan trang, tuyệt đối trong mọi tình huống không được xõa tóc tùy tiện hay để bù, rối.

Tuổi cập kê chính là tuổi 15. Đây là một mốc tuổi đời mà thơ văn vẫn thường nhắc tới. Chẳng hạn tác giả Song Ngọc viết nhạc phẩm “Em tuổi 15” (thường gọi thành “tuổi nàng 15”), tuy không nói tới hai chữ “cập kê” nhưng tuổi đời của nhân vật nữ vẫn chính là tuổi “cập kê”:

“Trăng sáng soi đêm rằm, em vừa tuổi mười lăm

Chưa lần nhớ thương ai nhiều, chỉ chờ tôi sang ghé thăm”…

Hoặc, trong Truyện Kiều có câu:

“Phong lưu rất mực hồng quần

Xuân xanh xấp xỉ tới tuần cập kê”

Thì câu thơ cho biết nhân vật nữ chuẩn bị 15 tuổi.


[1] Hán tự: 笄

About Tiểu Phi 95 Articles
Thật may mắn được kết nối với tri thức nhân loại để học hỏi mỗi ngày!

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*