
I. Mỗi người bước vào cuộc đời với một số phận khác nhau, một hành trình khác nhau, một chuỗi buồn/vui/may/rủi khác nhau.
Tôi rất thích cuốn sách “Liễu Phàm tứ huấn” được viết vào thế kỷ 16. Cuộc đấu tranh giữa định mệnh và đức năng đã ngã ngũ. Đức năng thắng, mới có cơ hội cho Liễu Phàm ngồi viết cuốn sách để đời cho con cháu. Như vậy “định mệnh” cũng không còn là “định mệnh” nữa, nó có bất biến đâu, gọi là Thiên mệnh có vẻ đúng hơn.
Không có đức năng, vậy thì con người hỏng hẳn rồi, không cứu được nữa. Cứu ở đây không hẳn là ai đó “sắp chết” về mặt sinh học mà chết về mặt tinh thần, mặt giác ngộ và có thể gây những hậu quả không lường hết được. Đức năng do ta, thiên mệnh do Trời. Ta và Trời đúng ra là nằm trong mối quan hệ hợp nhất (thiên-địa-nhân hòa) hay “Thiên địa vạn vật đồng nhất thể”, vừa nằm trong mối quan hệ phủ định để tìm sự cân bằng tương đối.
*
II. Tôi thật không muốn lí giải vì sao có một số người thù ghét nghệ thuật như truyền kiếp vậy. Nhắc đến bất kể một loại hình nghệ thuật nào, họ chỉ cười nhạt, coi thường, cho rằng đó là nhảm nhí, mất công sức/ thời gian.
Đương nhiên tôi hiểu con người tuy cùng được “rơi” vào kiếp này để chung cõi nhưng có tiền kiếp và tu dưỡng là khác nhau. Về mặt tâm lý học, Maslow đã lí giải rồi, tháp nhu cầu đã chỉ ra cấp nhu cầu thấp nhất của động vật là cấp “physiological”, thuật ngữ tiếng Việt gọi là “thể lí” hay “sinh lí” – tất cả hương đến sự tồn tại, bản năng đòi gì ta cấp cho nó cái đó (ăn, uống, ngủ ngáy, bài tiết, tình dục…)
Chỉ có sự phát triển cao của xã hội loài người, kéo theo sự tiến hóa hơn nữa của con người, tháp nhu cầu mới kéo đến cấp “self – actualization”, gọi là “tự thể hiện”, “tự khẳng định mình”…
Sự phát triển của xã hội kéo theo việc mở rộng tháp nhu cầu để phù hợp với nó. Cấp “self – actualization” được phát triển thành “cognitive” (nhận thức, tức là khát khao được hiểu biết thế giới khách quan), cấp “aesthetic” (nhu cầu thẩm mỹ, hướng đến các giá trị đẹp, tốt), cấp “self-transcendence” (tự tôn bản ngã, cái tôi cá nhân mà từ đó sẽ đưa đến trực giác siêu nhiên, lòng trắc ẩn, bác ái).
Nghệ thuật là một trong những con đường phát triển bản thân rất hiệu quả. Nghệ thuật làm cho con người có những cách tiếp cận tri thức, thế giới độc đáo hơn mà đôi khi chính bạn chưa từng nghĩ ra trước đó, bởi vì nghệ thuật khơi dậy tiềm năng ngủ quên, ẩn giấu rất sâu bên trong cá nhân; nó kích thích sự nhạy cảm và trực giác ở mức cao cho nên bạn có thể làm được những điều, hiểu được những việc, giác ngộ ra cái mà chính bạn không ngờ tới.
Đương nhiên đánh chén, khà khịa nhau hoặc tụ bạ chốn lao xao… cũng là một phần của cuộc sống. Con người mà; cũng vui đấy, khóc đấy chúng ta biết chấp nhận sự thật chứ làm sao tránh hết. Nhưng đừng nhìn nghệ thuật với con mắt thù ghét hoặc cái nhìn của thương lái. Bây giờ là thế kỷ 21, thế giới không cần có nhiều phú ông làng Vũ Đại.
*
III. Một số người muốn tôi dạy con họ. Tôi không phải thầy giáo. Không biết đáp ứng được bao nhiêu kì vọng, tin cậy?
Cuộc sống của chúng ta nhiều bất ổn, người ta đành âm thầm chuẩn bị cho con cái, tìm chỗ bình yên, cầu sự an toàn. Nếu ví tình yêu thương của cha mẹ bao la như biển rộng – cũng không sai lắm.
Dù còn rất nhiều cha mẹ thương con không đúng cách, yêu con sai phương pháp và dẫn đến một số tác dụng ngược… nhưng cho dù thế nào thì cũng thừa nhận rằng những gì họ cho là “tốt nhất” họ đều dành cho con cái, không một chút lưỡng lự, không một chút lười biếng; trong khi đó có khi đối với bản thân mình thì “thế nào cũng xong”.
Con người chúng ta, tôi và các vị, thường phạm nhiều sai lầm, đủ mọi mặt, nhưng nhờ có một số yếu tố, trong đó chắc chắn có tình yêu thương của cha mẹ đối với con cái mà mọi thứ vẫn nằm trong quỹ đạo nào đó.
Tôi hiểu sự hi sinh của cha mẹ cho các con, sự mong mỏi cho chúng được lên người, được phát triển, được mạnh giỏi. Ta chỉ có thể cho nó sự chuẩn bị. Cha mẹ có mừng rỡ bao nhiêu, có khóc hết nước mắt thì cũng chỉ có thể nhìn theo, không thể sống thay con, không thể là chính nó để làm thay nó. Mỗi đứa trẻ đều là người, đều có Thiên mệnh và đức năng. Nó buộc phải tự thân quyết định cuộc sống bằng tu dưỡng của mình.
Đồng quan điểm với bác!