Dùng từ ngữ tùy tiện! Malapropism – Tiểu Phi

Malapropism?

Từ này rất thú vị vì nó được hình thành từ danh xưng và đặc điểm nhân vật “Mrs. Malaprop” trong vở kịch “The Rivals” (1775) của nhà soạn kịch người Anh là Richard Brinsley Sheridan. Sau đó, để khái quát hóa, thêm hậu tố -ism để tạo từ. Vì dùng nghệ thuật nói bóng gió trong kịch trào phúng, “malaprop” lại có xuất xứ từ “malapropos” mà theo “Concise English Dictionary” vốn mang nghĩa là: “adj.: of an inappropriate or incorrectly applied nature; adv.: at an inconvenient time”, về cơ bản được hiểu là “không phù hợp, dùng không đúng thực tế, không hợp thời điểm”… Bà Malaprop trở thành mẫu nhân vật trào lộng điển hình của việc sử dụng những từ ngữ có âm tương tự theo lối “rởm đời”, gây nhầm lẫn đến mức lố bịch. Ngày nay người ta hiểu là “sính từ ngữ nhưng dùng sai”, tiếng Pháp “mal à propos”: không thích hợp (Il vaut mieux se taire que de parler mal à propos: thà im lặng còn hơn nói bừa).

Ở nguyên bản, có thể dẫn chứng một số từ ngữ dùng sai của Mrs. Malaprop gây thành trò cười như sau:

– I would have her instructed in geometry, that she might know something of the contagious countries. (Đáng lẽ dùng từ geography (địa lý) thì nhầm thành geometry (hình học); dùng contiguous (láng giềng, lân cận) thì nhầm thành contagious (lây lan). Do đó “học địa địa lý” thì thành “học hình học”, “nước láng giềng” thì thành “nước lây lan”).

– He is the very pineapple of politeness!(Đáng lẽ dùng pinnacle (cực kỳ) thì nhầm sang pineapple (quả/ cây dứa) cho nên “rất lịch thiệp” thì thành “lịch sự… dứa”).

– If I reprehend anything in this world, it is the use of my oracular tongue, and a nice derangement of epitaphs!(Đáng lẽ dùng apprehend (hiểu rõ) thì nhầm sang reprehend (quở trách); vernacular ([tiếng] mẹ đẻ) thì nhầm sang oracular (lời sấm, lời tiên tri); arrangement (sự xếp đặt) nhầm thành derangement (sự lộn xộn); epithets (tính ngữ) thì bị nhầm thành epitaphs (mộ chí). Do đó nghĩa trở thành ngô nghê: “tôi hiểu” thì thành “tôi quở trách”, “dùng tiếng mẹ đẻ” thì thành “dùng lời sấm truyền”, “sắp đặt các tính ngữ hợp lý” thành “để mộ chí lộn xộn”).

– He’s as headstrong as an allegory on the banks of the Nile.(Dùng nhầm alligator (con cá sấu) thành allegory (lời bóng gió) cho nên “ngang ngạnh như cá sấu bên bờ song Nile” thì lại thành ngô nghê “ngang ngạnh như lời bóng gió bên bờ song Nile”…).

**********************

Ở nước ta, nhất là trên mạng xã hội, đại khái là cũng chẳng thiếu gì những người dùng từ ngây ngô, nói tràn đi như vậy – không hiểu nghĩa nhưng vẫn dùng từ ngữ đao to búa lớn, sính chữ, dùng tràn lan kiểu “bán giời không văn tự”.

About Tiểu Phi 96 Articles
Thật may mắn được kết nối với tri thức nhân loại để học hỏi mỗi ngày!

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*