
“Thế ngoại đào nguyên” 世外桃源 dịch nghĩa theo từ tố là “Nguồn [có nhiều] đào lánh xa/ bên ngoài trần thế”. Nó còn được gọi là “Đào hoa nguyên” 桃花源 mà ngày nay được giảng là “Xứ sở hoa đào”.Xuất phát của thành ngữ từ tác phẩm “Đào hoa nguyên ký” 桃花源記 (Ghi chép về xứ sở hoa đào) của Đào Uyên Minh thời Đông Tấn.
Trong tác phẩm kể rằng một người đánh cá ở quận Vũ Lăng một hôm thả thuyền theo dòng nước trôi đi lòng vòng rồi lạc vào một vùng đất rộng lớn, cảnh sắc rất đẹp đẽ, yên bình và trồng toàn hoa đào. Tại đó người dân sống hòa thuận, ấm no, hạnh phúc bằng nghề chăn nuôi trồng trọt. Họ kể cho người đánh cá biết rằng tổ tiên của họ chạy loạn đến đây để tránh chiến tranh thời nhà Tần rồi ở lại sinh cơ lập nghiệp mấy trăm năm ở đây đoạn tuyệt với bên ngoài. Cuộc sống bình yên an lạc nên dân cư cứ ở mãi nơi đây không quan tâm gì đến thời cuộc bên ngoài, họ cũng chẳng biết thiên hạ bây giờ là thời đại nào, ai làm vua nữa.
Dân cư chiêu đãi người đánh cá, rồi dặn giữ kín bí mật của nơi này. Người đánh cá từ biệt, thả thuyền lòng vòng theo nước mà đi, mãi cũng về được nhà. Sau này, vô tình thái Thú Lưu Hâm biết chuyện sai người đánh cá dẫn đường để tìm đến Đào Hoa nguyên nhưng bốn phía mông lung, họ không bao giờ thấy đường trở lại nơi đó được nữa.
Trái nghĩa với “Thế ngoại đào nguyên” là “Nhân gian địa ngục” 人間地獄.

Leave a Reply