Tiếng Việt: “Bá đạo” có nghĩa gì?

Bá đạo là một từ cũ nhưng gần đây đã xuất hiện thêm một nghĩa mới trong văn nói. Hiện nay đang tồn tại từ bá đạo với hai nghĩa khác nhau, trong đó có một nghĩa (mới) được dùng ở dạng từ “lóng”, thực ra là tồn tại hai từ bá đạo (đồng âm). Tuy nhiên để có thể sử dụng được chúng và không bị lúng túng trong quá trình đọc sách, chúng ta cần phân biệt hai nghĩa khác nhau của từ này.

Với nghĩa hiện nay người ta dùng nhiều trong khẩu ngữ thì bá đạo1 (tạm gọi) là một từ chỉ dùng trong văn nói với nghĩa chỉ một việc (hoặc người) gây ra sự ngạc nhiên, sự khâm phục hoặc sự ngỡ ngàng, kinh hãi, gây bất ngờ và có chút thán phục hoặc tán dương hay thậm chí là mỉa mai. Ví dụ: “Thằng này chơi game bá đạo lắm”, “Con này lộ hàng quá bá đạo”, “Ôi anh ấy thật là bá đạo”…

Nghĩa “lóng” này do chúng tôi tổng hợp lại thông qua các tình huống ngôn ngữ thường gặp trong xã hội chứ chưa xuất hiện trong từ điển, kể cả Từ điển từ mới tiếng Việt của Viện ngôn ngữ học xuất bản năm 2006.

Tuy nhiên chúng ta không thể bỏ qua từ bá đạo2, là một từ “chính thống”, có lịch sử sử dụng lâu đời và được ghi trong hầu hết các từ điển tiếng Việt và Hán Việt. Từ này được sử dụng trong lĩnh vực chính trị thời phong kiến, nó được nhắc rất nhiều trong các tác phẩm triết học của Nho gia, các sách đối đáp giữa Quân vương với thần tử, các sách dạy trị quốc.

Từ điển tiếng Việt do Văn Tân chủ biên giảng bá đạo là “Chính sách khinh nhân nghĩa, chuộng quyền thuật và vũ lực, trái với vương đạo”. Để hiểu thêm điều này, cần nhắc lại bối cảnh lịch sử.

Thời Bách gia chư tử, là thời kỳ “loạn” về học thuyết trị quốc. Nổi lên có mấy loại triết lý của phái Nho gia, Pháp gia, Mặc gia (sau sinh ra Danh gia) và Đạo gia (sau sinh ra Âm Dương gia). Liên quan tới bá đạoNho giaPháp gia.

Nho gia chủ trương Xây dựng xã hội trên nền tảng các mối quan hệ tốt đẹp và hoạt động thông suốt trên cơ sở Tam cương, Ngũ thường, Tam tòng, Tứ đức và hàng loạt các tiêu chuẩn xã hội khác. Về nguyên tắc, xây dựng xã hội theo kiểu này yêu cầu một vị vua phải có đạo đức, dựa trên sự sáng suốt anh minh và từng cá nhân phải tự rèn luyện mình để làm cho cả xã hội tốt đẹp và vận hành quy củ. Nho giáo đề cao đạo đức cá nhân và sự tự giác của cá nhân. Trong các quan hệ xã hội mọi người, kể cả vua, đều phải giữ đúng phép tắc, giữ đúng bổn phận nếu không sẽ không còn uy tín để lãnh đạo người khác và mất quyền yêu cầu người khác chấp hành.

Pháp gia có mối quan hệ với Nho gia, nhưng quan điểm trị quốc lại khác. Pháp gia cho rằng con người vốn bản tính là xấu, tham, lười… cho nên không thể yêu cầu người ta tự giác và trông chờ vào điều đó được. Vì thế Pháp gia đề xuất dùng sức mạnh bạo lực để áp đặt xã hội vào khuôn khổ, phục vụ cho  sự hoạt động thống nhất suôn sẻ từ đầu đến cuối của hệ thống quản lý. Pháp gia thực hiện Pháp trị, tức là cai trị hoàn toàn bằng pháp luật, không đếm xỉa đến sự tự giác và cũng không quan tâm đến đạo đức (vì nó không ổn định), tất cả theo khung pháp luật mà hành xử. Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, Nhà Nước đặt ra pháp luật và công bố rộng rãi cho toàn dân. Thưởng, phạt phân minh để duy trì ổn định, trật tự xã hội.

Quan điểm của Pháp gia có một số nét giống với triết lý của pháp chế hiện đại. Tuy nhiên điểm hạn chế cơ bản của nó ở chỗ, vì Pháp trị phong kiến do giới cai trị tự nghĩ ra để “đưa dân vào khuôn khổ” nên cho tuy có nghiêm minh nhưng chỉ áp dụng với quần chúng, về cơ bản vẫn phục vụ và có thể uốn nắn theo ý chí chủ quan của vua cho nên nó trở thành hà khắc, khốc liệt. Điển hình là Tần Thủy Hoàng đế, tạo ra một nước Tần rất hùng mạnh bằng Pháp trị nhưng lại nhanh chóng sụp đổ vì tính hà khắc của luật pháp, chỉ đứng trên quyền lợi của vua mà không đứng trên quyền lợi của dân.

Ba nhân vật Pháp gia điển hình là Thương Ưởng, Hàn Phi Tử và Lý Tư. Cả ba nhân vật này đều nối tiếp nhau phục vụ nước Tần, biến nước Tần từ nước nghèo nàn rừng núi trở thành quốc gia mạnh nhất, tiêu diệt hết các nước còn lại, mở đầu cho giai đoạn phong kiến tập quyền tại Trung Quốc. Khi Thương Ưởng trình bày ba con đường trị nước thì vua Tần chọn ngay Bá đạo để làm nghiệp lớn.

Khi vua Nghiêu, Thuấn cai trị thì đời sống thanh bình, dân chăm lo cày cấy, lao động và dùng âm nhạc để làm đẹp tâm hồn. Vua được dân tin yêu ở trong tiềm thức, dùng âm nhạc để cảm hóa người dân. Một xã hội nguyên thủy lý tưởng và cách cai trị phi bạo lực mà chỉ dùng âm nhạc đó chỉ có bậc Đế mới làm được, gọi là Đế đạo.

Sang đời vua Vũ, Thang thì xã hội đi xuống, dân không thích âm nhạc bằng săn bắn, giết thú lấy thịt mà lơ là ruộng đồng. Con người trở nên hung hăng hơn, ưa chém giết loài vật. Vua phải đặt Lễ Nghi để làm cơ sở cho dân học tập, do đó còn gọi là Lễ trị của bậc Vương, gọi là Vương đạo.

Nhà Chu do Khương Tử Nha và Chu Vũ Vương dựng lên để thay nhà Thương. Cuối cùng Bao Tự mê hoặc Chu U Vương nên nhà Chu suy yếu, chư hầu đánh nhau liên miên chia làm hai giai đoạn Xuân Thu, Chiến Quốc. Thương Ưởng đã trình bày cho vua phương pháp gọi là Bá đạo. Vua Tần cho rằng thời loạn không thể dùng con đường cai trị Đế, Vương được mà phải dùng phương pháp mới, cho dù tàn khốc hơn, do đó sử dụng Thương Ưởng.

Bá đạo dựa trên cơ sở của Pháp trị phong kiến, về đối nội thì ổn định chính trị, tăng cường pháp luật để cho xã hội nghiêm minh. Sau khi xã hội ổn định thì tập trung sức lực vào sản xuất để tăng sức mạnh kinh tế. Về đối ngoại, kết hợp các hình thức quân sự, chính trị, ngoại giao dùng mọi thủ đoạn để vừa câu kết vừa ly gián rồi tiêu diệt các nước đối thủ; áp dụng chính sách “thân xa đánh gần”, hòa hảo với kẻ ở xa để tập trung tiêu diệt các nước hàng xóm. Nhờ đó, vua Tần thống nhất được thiên hạ.

Nói đến bá đạo là nói đến thủ đoạn chính trị với mục tiêu cuối cùng chính là kết quả giành được thắng lợi chung cuộc. Mặc dù Bá đạo có ưu điểm riêng, nhưng về lâu dài đó không phải là con đường tốt để duy trì sự an lạc của xã hội, nó chỉ phù hợp với thời loạn mà thôi. Bá đạo quá hà khắc, mang tính chất độc tài, nền pháp trị cực đoan của nó kìm hãm sự phát triển chung của xã hội.

Trong thực tế, chúng ta có thể gặp những câu trong sách, báo, internet có chứa từ với nghĩa trên, như: “Chủ nghĩa bá quyền và cách ứng xử của nước nhỏ” (http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/chu-nghia-ba-quyen-va-cach-ung-xu-cua-nuoc-nho); “… vô số hào kiệt bụng ôm chí lớn, muốn thừa cơ dựng lên bá nghiệp, thống nhất thiên hạ, lưu danh muôn đời” (Internet); “… trở thành nhân vật trụ cột, phò tá Tần Thủy Hoàng dựng lên bá nghiệp” (Đường Nhạn Sinh, Bạo Thúc Diễm, Chu Chính Thư. Mưu Trí Thời Tần Hán. NXB Văn Học, 2003); “… xưng hùng xưng bá một phương” (Internet).

About Tiểu Phi 96 Articles
Thật may mắn được kết nối với tri thức nhân loại để học hỏi mỗi ngày!

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*