
Ta vẫn hiểu, con mọt là con “bọ cánh cứng có hàm khỏe chuyên đục khoét tre, gỗ, hạt ngũ cốc khô” (Hoàng Phê. Từ điển tiếng Việt, 2003) hay “loài côn trùng cánh cứng (Coleoptera) phá hại nông sản, lâm sản và các đồ dùng bằng gỗ, tre, nứa…” (Hoàng Long, Quang Hùng. Từ điển tiếng Việt, 2008). Như chúng ta đã biết, thậm chí cả những tấm gỗ lớn qua thời gian cũng đều có thể bị mọt phá hoại, hậu quả là khiến cho vật liệu (hoặc nông, lâm sản) bị mục ruỗng và gãy, nát.
Hình ảnh con mọt trong tâm thức dân gian là biểu hiện của sức đục khoét, có ý rằng mọt rất nguy hiểm có thể phá hoại những gì vững chắc nhất.
Cho nên người ta mới nói “Mọt ăn cứt sắt”, ám chỉ rằng “làm trầy trật mà không kết quả hoặc khuyên dạy kẻ cứng đầu bướng bỉnh, nó chẳng chịu nghe, chẳng khác gì mọt ăn cứt sắt”. “Mọt nào mà ăn được cứt sắt” cũng hàm ý “khó mà nhờ được tiền bạc của người bủn xỉn”…
Tất cả chỉ xuất phát từ hình ảnh so sánh một con mọt nguy hiểm, đục khoét là thế mà gặp phải “cứt sắt” cũng đành bị vô hiệu hóa. Điều đó chứng tỏ cứt sắt rất “khó gặm”, rất rắn đến mọt cũng phải “chào thua”.
Vì thế, trong dân gian hiện nay, sự ví von với cứt sắt dành để ám chỉ những người ki bo, bủn xỉn, kẹt xỉ đến mức quá đáng.
Vậy về mặt thực tiễn thì cứt sắt rắn đến mức nào?
Cứt sắt thực ra là một dạng hợp chất hóa học. Tuy nhiên khái niệm “sắt” trong rất nhiều trường hợp ngoài đời sống chúng ta đang dùng, đúng ra thì gần với khái niệm “thép” hơn. Thép là hợp kim của Fe (sắt) và C (cácbon), trong đó thành phần cácbon nhỏ hơn 2,14% (Nguyễn Thị Yên. Giáo trình vật liệu cơ khí. NXB Hà Nội, 2005).
Trong quá trình luyện kim đen, xảy ra các phản ứng hóa học, trong đó quan trọng là phản ứng tạo “xỉ” để khử tạp chất và chống quá trình ôxi hóa sắt. Thứ xỉ thường là ôxít canxi và ôxít silic sẽ phản ứng với nhau tạo ra canxi silicat và được vớt ra ngoài (R. Zimmermann. Luyện kim và Khoa học vật liệu, 1982). Do đó, Từ điển tiếng Việt của Hoàng Long, Quang Hùng mới giảng xỉ chính là “cứt sắt”, là đổ bỏ đi cần phải thải loại để tạo ra gang, thép có chất lượng đạt yêu cầu, nói theo dân dã thì xỉ là “cặn dơ của quặng nấu ra”.
Từ đó, chúng ta đã hiểu vì sao “xỉ” được “dân gian hóa” thêm một bước nữa để liên hệ sang hình ảnh của “cứt”. Nguyên nhân nằm ở chỗ nó bị xếp vào dạng chất thải loại (và có thể cộng thêm một phần do hình dáng của chúng). Để ví von với một kẻ bủn xỉn, kẹt xỉ thì dân gian mới lấy con mọt và cứt sắt ra mà so sánh. Đặc điểm của xỉ hay cứt sắt là rất cứng, rắn nên mọt cũng đành chịu.
Đây thật là một sự liên tưởng vô cùng thú vị và hiểu cảm, thể hiện khả năng vận dụng từ ngữ rất linh hoạt, giàu tính hình tượng của nhân dân.
Leave a Reply