
Trong chuyện chữ nghĩa thì hiện tượng đồng âm , đồng nghĩa, dị nghĩa và trái nghĩa là những hiện tượng thường gặp. Đồng âm mà không đồng nghĩa đã khiến người sử dụng có thể lúng túng, nhưng đồng âm mà trái nghĩa thì còn rất dễ gây ra những nhầm lẫn tai hại.
Chúng ta lấy hai từ đồng âm lưu để làm dẫn chứng, tạm gọi là lưu1 và lưu2.
Chữ lưu1 có phát âm là “lưu” như lưu thủy, lưu hành, lưu thông, lưu chuyển, luân lưu, lưu động, lưu lạc, lưu dân, lưu nhân, lưu vong, lưu huyết, lưu vực… Trong các từ ghép trên thì thành tố lưu có nghĩa là chuyển động, chảy, thay đổi vị trí, có nghĩa cơ bản là nước chảy. Khi nào không thể “lưu” được tức là bị tù đọng”, “trì trệ”, “đình trệ”, “bí bách”, “cô lập”…
Còn lưu2, tiếng Việt cũng đọc là “lưu” nhưng nghĩa lại khác hẳn, thậm chí có phần trái nghĩa. Chẳng hạn: lưu biệt, lưu khách, lưu luyến, lưu danh, lưu tâm, lưu ý, lưu trú… thì thành tố “lưu” này có nghĩa là “giữ lại”, “tồn lại”, “đình chỉ” (dừng lại).
Có thể lấy dẫn chứng trong thực tiễn sử dụng ngôn ngữ. Khi một mặt hàng hoặc sản phẩm đã được đưa ra ngoài thị trường, đi khắp các gian hàng hoặc được sử dụng rộng rãi thì nghĩa là nó đã được lưu hành, một người nay đây mai đó không được ở quê hương của mình thì tức là anh ta là kẻ lưu lạc hoặc vì thiên tai mà thành lưu dân, cái gì đó hoặc việc gì đó đã được chuyển động thông suốt, hòa vào dòng chảy hoặc không còn bị vướng, chặn ở đâu nữa thì gọi là đã lưu thông… Nhưng sự yêu mến được nảy sinh mà không muốn xa cách thì lại gọi là lưu luyến, giữ khách ở lại chơi thêm mà không muốn họ về gọi là lưu khách, chú ý và đặt tâm trí của mình vào một sự gọi là lưu ý, lưu tâm, học mà không thể lên được lớp đành phải học lại thì gọi là lưu ban…
Hiển nhiên, ở khía cạnh Hán-Nôm, chữ lưu1 lấy chữ “thủy” (nước) làm nghĩa, chữ lưu2 lấy chữ “điền” (ruộng nương) làm nghĩa. Thật rõ ràng, một đằng thì “động”, một đằng thì “tĩnh”, trái nhau. Có thể tham khảo, sách Thuyết văn của Hứa Thận đã giảng chữ lưu1 về nghĩa của “thủy hành” (nước chảy) còn lưu2 về nghĩa của chữ “chỉ” (dừng lại, đình chỉ). Trong cuộc sống cũng vậy, rất nhiều chuyện giống về hình thức mà khác về bản chất, giống về gọi tên mà khác về nội dung. Bản chất và sự thật của sự vật, hiện tượng không phải lúc nào cũng hiện ra một cách minh bạch như ta tưởng.
Leave a Reply