
Chúng ta có nên đọc sách không?
Đa phần người ta thường trả lời là “có”. Sách là nguồn tri thức vô giá và vô tận mà thế giới loài người tạo ra cho các thành viên của mình. Đọc sách là nhu cầu muôn thuở của con người và đọc sách cũng là một nghệ thuật.
Nghệ thuật đọc sách là thứ nghệ thuật rất khó nhận ra và cũng không phải ai cũng đều nghĩ nó là nghệ thuật. Hầu hết người ta thường chỉ đọc sách khi buộc phải đọc để giải quyết một vấn đề trước mắt nào đó, chỉ một số người đọc để mở rộng kiến thức cho bản thân và rất ít người chủ động biến việc đọc sách thành một nhu cầu thường nhật.
Khi ta biến việc đọc sách thành nhu cầu chứ không phải vì nhu cầu [phải tìm gì đó] mới chịu mở sách ra tìm kiếm thì ta đã có thể hướng tới việc đọc sách như một nghệ thuật. Tất nhiên, để có nghệ thuật thực sự thì cần thêm nhiều yếu tố.
Nhưng ngay cả chỉ vì một nhu cầu tức thời nào đó, ta mới phải mở sách ra thì sách vẫn là sách, tức là nó luôn mang trong mình giá trị nội tại. Giá trị của sách nằm ở nội dung của nó chứ không nằm ở hình thức cũ hay mới. Trong trường hợp nào đó cũng có thể một cuốn sách mới hơn sẽ có giá hơn một cuốn sách cũ. Nhưng đó là cách định giá sách theo kiểu “đồng nát” còn đứng từ góc độ tri thức (đọc sách, tra cứu lấy kiến thức, lấy thông tin…), nghệ thuật (chơi sách, sưu tầm sách…) thì sẽ thấy rất nhiều trường hợp sách cũ, sách xưa có giá trị hơn nhiều lần so với sách mới.
Sách vừa là thầy mà cũng vừa là bạn.
Một số sai lầm khi tiếp xúc với sách:
– Đánh giá sách theo vẻ ngoài, hình thức;
– Mua sách một theo trào lưu, theo quảng cáo…;
– Vội vã mua sách mới, vội vã hủy sách cũ;
– Vội vã đọc sách ngấu nghiến;
– Quan niệm cố ghi nhớ hết nội dung trong sách; quan niệm nhồi nhét kiến thức “càng nhớ nhiều càng tốt”.
– Đọc tất cả các quyển sách với cùng một thái độ như nhau;
– Coi nhẹ các thông tin về tác giả, nhà xuất bản;
– Coi nhẹ mục lục.
…
(Tiểu Phi)
Leave a Reply